Phát hiện phân tử trong nọc rắn có thể làm thuốc chống COVID-19
Cập nhật lúc 10:10, Thứ tư, 01/09/2021 (GMT+7)
Phân tử có trong nọc độc của loài rắn Jararacussu được các nhà nghiên cứu tại Brazil tìm thấy có khả năng ức chế sự sinh sản của virus corona trong tế bào của khỉ.
Các nhà nghiên cứu của Brazil cho biết, phân tử trong nọc độc của loài rắn Jararacussu có thể ức chế tới 75% khả năng nhân lên của virus corona trong tế bào khỉ. Phân tử này là một loại peptide, có thể hiểu là chuỗi axit amin có thể kết nối với loại enzyme của virus corona là PLPro, loại enzyme này kích thích sự phát triển của virus. Phân tử peptide trong nọc độc rắn jararacussu có thể ức chế sự phát triển của virus corona.
Điều đặc biệt, các nhà khoa học có thể điều chế phân tử peptide này trong phòng thí nghiệm, nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của loài rắn jararacussu này. Đây là tín hiệu đầu đáng được kỳ vọng, cho việc sớm tìm ra thuốc đặc trị chống lại virus gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19.
|
|
Phân tử trong nọc độc của loài rắn Jararacussu có thể ức chế tới 75% khả năng nhân lên của virus Corona. |
Jararacussu là một trong những loài rắn lớn nhất ở Brazil, chúng có thể dài lên đến 2m và tập trung đông ở các khu vực ven biển Đại Tây Dương hay ở Bolivia, Paraguay và Argentina. Giám đốc bảo tàng sinh học của Viện Butantan, ông Giuseppe Puorto nói rằng: “Chúng tôi lo sợ sau khi nghiên cứu này được công bố, nhiều người không tìm hiểu kĩ sẽ săn lùng loài rắn jararacussu trên khắp Brazil để cứu bản thân và gia đình họ thoát khỏi COVID-19. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sự sinh trưởng của loài rắn jararacussu. Thành phần có thể ức chế được virus corona là một phân tử rất nhỏ trong nọc độc của loài rắn này, bản thân nọc độc rắn không phải thuốc chữa COVID-19”.
|
|
Các nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. |
Hiện tại, chưa có thông tin gì về thử nghiệm loại chất này trên tế bào người. Các nhà nghiên cứu của Viện Vật lý thuộc Đại học Sao Paulo (Unesp) tuyên bố, sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của chất peptide này với nhiều liều lượng khác nhau để xem liệu nó có thể ngăn chặn virus corona xâm nhập vào tế bào hay không. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào hiệu quả của chất peptide mới tìm thấy trong nọc độc rắn jararacussu này, để có thể sớm thử nghiệm trên tế bào người.
Khánh Hà/Reuters