Cùng nhau chống lại đại dịch COVID-19

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã cam kết cung cấp hơn 1 tỉ liều vắc xin coronavirus cho các quốc gia nghèo hơn, Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc hợp báo kết thúc hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 ở Tây Nam nước Anh hôm 13/6. Theo ông Johnson, số vắc xin này sẽ được cung cấp trực tiếp và thông qua chương trình COVAX quốc tế. 

Nhóm G7 đã đưa ra những tuyên bố đầy tham vọng trong các cuộc họp của họ với những cam kết tham gia tích cực về các vấn đề giáo dục trẻ em gái, ngăn chặn đại dịch trong tương lai và tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh hơn trên toàn cầu. Trên hết, họ tuyên bố sẽ chia sẻ vắc xin với các quốc gia nghèo hơn đang cần vắc xin gấp. Ông Johnson cho biết, nhóm sẽ cam kết ít nhất 1 tỉ liều, với một nửa trong số đó đến từ Hoa Kỳ và 100 triệu liều từ Anh.

leftcenterrightdel
Các nhà lãnh đạo G7. Ảnh: AP. 

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus và các quan chức y tế công cộng khác đánh giá cao cam kết, nhưng nói ngần vắc xin ấy là chưa thấm tháp. Ông nói, để thực sự chấm dứt đại dịch, cần đến 11 tỉ liều vắc xin để tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.

“Chúng tôi cần nhiều hơn thế và chúng tôi cần chúng nhanh hơn.”, ông Tedros nói.

Tại hội nghị, có một nhận thức chung, chỉ khi hợp tác cùng nhau thì việc khống chế đại dịch trên phạm vi toàn cầu mới có hiệu quả triệt để, thay vì những hành động đơn độc trong phạm vi từng quốc gia. Thất bại trong khống chế đại dịch năm 2020 cho thấy, đây là bài học và nó không nên được lặp lại kể từ năm 2021.

Chung tay ứng phó với những mối đe dọa toàn cầu

Biến đổi khí hậu là trọng tâm chính trong ngày hội đàm cuối cùng của các nhà lãnh đạo vào Chủ nhật, 13/6 và nhóm dự kiến sẽ công bố các biện pháp tài chính mới để giúp các quốc gia nghèo hơn giảm lượng khí thải carbon.

Chiến lược “Xây dựng trở lại tốt hơn” cho thế giới sẽ hứa hẹn cung cấp tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng, từ đường sắt ở Châu Phi đến các trang trại điện gió ở Châu Á, để giúp đẩy nhanh sự chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng tái tạo. Chiến lược này là một phản ứng đối với sáng kiến “vành đai và con đường” của Trung Quốc, vốn đã gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên toàn thế giới.

leftcenterrightdel
Các nhà lãnh đạo G7 đạt được đồng thuận trong việc cùng nhau chống lại những thách thức toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu. Ảnh:  Emmanuel Macron.

Các nhà hoạt động và phân tích khí hậu cho rằng, việc rót vào quĩ 100 tỉ USD hàng năm để giúp các nước nghèo giải quyết các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu nên là hoạt động ưu tiên hàng đầu của G7.

Tất cả các nước G7 đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050, nhưng nhiều nhà môi trường cho rằng, nỗ lực đó là chưa đủ và quá chậm.

Nhà tự nhiên học David Attenborough đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 qua video vào Chủ nhật, cảnh báo, nhân loại đang "trên bờ vực bất ổn trên phạm vi toàn bộ hành tinh."

Thông cáo cuối cùng của các nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ chính thức áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn để ngăn các tập đoàn sử dụng các thiên đường thuế để trốn thuế.

Huy Anh/AP