Dân biểu Mỹ yêu cầu họp khẩn!

Ngày 2/7, giờ Washington, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa và thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Brian Fitzpatrick cho biết, ông đã yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn cấp với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc liên quan đến việc ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

“Không thể có biện pháp nửa vời trong việc bảo vệ tự do. Chúng ta phải, như chúng ta vẫn luôn làm, đấu tranh cho hòa bình bằng sức mạnh. Tôi đã chính thức gửi yêu cầu họp khẩn tới Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng để làm rõ các thông tin liên quan, xem xét kho dự trữ vũ khí và đạn dược của chúng ta, và đảm bảo rằng Mỹ vẫn cam kết cung cấp đầy đủ các nguồn lực mà Ukraine đang cần gấp..”, ông Fitzpatrick- đồng Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ ủng hộ Ukraine tại Quốc hội, viết trên trang cá nhân, đính kèm thư chính thức gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Fitzpatrick bày tỏ lo ngại trước các thông tin nói Mỹ dừng việc giao vũ khí đã cam kết với Ukraine, trong bối cảnh Kyiv đang đối phó với các cuộc tấn công trên không lớn nhất kể từ khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine tháng 2/2022.

leftcenterrightdel
 Hạ nghị sĩ  Đảng Cộng hòa và thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Brian Fitzpatrick. Nguồn: RepBrianFitz Nicksortor.

Dân biểu đảng Cộng hòa cho rằng, Mỹ cần cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các đồng minh, những người không chỉ đang bảo vệ quê hương họ, mà con đang ở tuyến đầu bảo vệ tự do; và, việc không thực hiện điều này là không thể chấp nhận được, đồng thời cho biết, ông sẽ lưu tâm vấn đề và yêu cầu giải trình.

Hôm 1/7, truyền thông Mỹ đưa tin, Washington đã tạm dừng việc cung cấp đạn dược và vũ khí cho Ukraine, do kho dự trữ trong nước bị cạn kiệt.

Tờ Wall Street Journal nói, quyết định ngừng giao vũ khí của chính quyền Trump thậm chí còn được áp dụng đối với những vũ khí đang có trong kho khí tài của Mỹ ở Ba Lan, ngay sát cạnh Ukraine.    

Đại diện Nhà Trắng Anna Kelly sau đó xác nhận thông tin, nói rằng, đây là một phần trong hoạt động đánh giá lại kho dự trữ quân sự, đồng thời nhấn mạnh, quyết định được đưa ra nhằm ưu tiên lợi ích quốc gia của Mỹ.

leftcenterrightdel
 Vũ khí Mỹ chuyển giao cho Ukraine. Nguồn: U.S. Air Force/  Roland Balik.

Ngày 2/7, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell cũng xác nhận, một số lô vũ khí viện trợ cho Ukraine đã bị dừng lại khi Bộ Quốc phòng Mỹ tiến hành đánh giá lại các hoạt động cung cấp viện trợ nước ngoài, động thái nhằm phù hợp với các ưu tiên quốc phòng của chính quyền Tổng thống Trump.

Các loại vũ khí đang bị giữ lại bao gồm tên lửa phòng không Patriot, các hệ thống phòng không vác vai Stinger, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire, máy bay không người lái và tên lửa không đối không AIM phóng từ máy bay chiến đấu F-16.

“Nhiệm vụ của chúng tôi tại Bộ Quốc phòng là theo đuổi chương trình nghị sự 'Nước Mỹ trên hết' của Tổng thống và đảm bảo rằng chúng ta đạt được hòa bình thông qua sức mạnh trên toàn thế giới.”, ông Parnell phát biểu tại cuộc họp báo của Lầu Năm Góc.

leftcenterrightdel
 Hai ông Zelensky, Trump thảo luận về tình hình Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, The Hague, Hà Lan, ngày 25/6. Nguồn: ZelenskyyUa.

Tuy nhiên ông Parnell cũng trấn an rằng, Lầu Năm Góc vẫn “tiếp tục cung cấp cho Tổng thống những lựa chọn vững chắc liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, phù hợp với mục tiêu chấm dứt cuộc chiến bi thảm này”.

Bình luận về thông tin, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết, càng ít vũ khí được chuyển tới Ukraine thì cuộc xung đột càng sớm kết thúc!.

Nga cho rằng việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine cản trở nỗ lực hòa giải, trực tiếp lôi kéo NATO vào cuộc xung đột và là một trò chơi nguy hiểm.

Điện Kremlin nhiều lần khẳng định rằng việc phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine không góp phần thúc đẩy đối thoại và sẽ gây ra hậu quả tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Ông Zelensky thăm cơ sở sản xuất vũ khí lai “UAV- tên lửa”. Nguồn: ZelenskyyUa.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, mô tả việc tạm dừng viện trợ quân sự là “sai lầm”, thậm chí là thiếu thành thực.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, ông hiểu Nhà Trắng cần phải bảo vệ năng lực phòng thủ của mình, nhưng nhấn mạnh, Ukraine hiện đang rất cần sự hỗ trợ liên tục.

Một quan chức cấp cao quân đội Ukraine giấu tên nói, Kyiv vẫn “phụ thuộc nặng nề” vào vũ khí của Mỹ, và Ukraine sẽ gặp khó khăn nếu không có đạn dược của Mỹ.

Ukraine và châu Âu cùng chuyển hướng sang hợp tác sản xuất vũ khí!

Ngày 3/7, Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky cho biết, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ, Ukraine đang làm rõ mọi chi tiết về hỗ trợ quốc phòng của Washington sau những thông tin được loan báo, bao gồm lĩnh vực phòng không.

Ông Zelensky nhấn mạnh, bằng cách này hay cách khác, Ukraine và Mỹ vẫn phải có các hợp tác quốc phòng.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, ngày 3/7, tại Đan Mạch, nước này đã đạt được thỏa thuận hợp tác quốc phòng chiến lược dài hạn với công ty Swift Beat của Mỹ, bao gồm sản xuất máy bay không người lái (drone). Ưu tiên hiện nay là sản xuất drone đánh chặn để đối phó với các cuộc tấn công trên không quy mô lớn của Nga. 

Dự kiến Swift Beat sẽ sản xuất hàng ngàn drone ngay trong năm nay ở Ukraine và sẽ tăng quy mô trong năm tới.

leftcenterrightdel
 UAV- tên lửa Peklo, loại vũ khí lai của Ukraine. Nguồn: ZelenskyyUa.

Trước đó, ông Zelensky cho biết, trong cuộc gặp với ông Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, ở The Hague, Hà Lan, ngày 25/6, hai ông đã thảo luận về việc tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, trong đó, nhấn mạnh việc Kyiv mua các hệ thống phòng không của Mỹ, với sự hỗ trợ của châu Âu.

Thông tin sau cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer tại London hôm 23/6, ông Zelensky cho biết, hai ông đã thảo luận phát triển các dự án quốc phòng chung về sản xuất vũ khí. 

Đề cập chủ đề này, ông Starmer ca ngợi hợp tác sản xuất drone chung với Ukraine là thỏa thuận tiên phong, một “bước tiến lớn” trong hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

Ngày 3/7, khi đang ở thăm Đan Mạch, ông Zelensky cũng tiết lộ, Kyiv cũng đang thỏa thuận với Copenhagen trong hợp tác sản xuất quốc phòng chung.

leftcenterrightdel
 Ngày 3/7 tại Đan Mạch, trước sự chính kiến của ông Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov (bên phải) và Tổng giám đốc Swift Beat, LLC Eric Schmidt đã ký một biên bản ghi nhớ về quan hệ đối tác chiến lược dài hạn về sản xuất quốc phòng chung. Nguồn: ZMiST_Ua.

Trong khi ngày 16/6, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Baykar- nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu nước này và Leonardo, một trong những công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu của Ý, đã công bố việc thành lập một liên doanh chuyên phát triển công nghệ không người lái mang tên LBA Systems.

Giám đốc điều hành Leonardo, Roberto Cingolani, tiết lộ, Baykar và Leonardo đã ký kết thành lập một liên doanh để sản xuất “hệ thống không người lái thế hệ tiếp theo”.

Theo sáng kiến này, hai bên xác định thị trường chính của sản phẩm là châu Âu, nơi được cho đang thiếu hụt các hệ thống không người lái vũ trang.

Trong bối cảnh châu Âu và Ukraine nhận ra rằng, cần giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ, hợp tác quốc phòng là một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra tại The Hague.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết chung trong việc mở rộng nhanh chóng hợp tác công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương và tận dụng công nghệ mới cùng tinh thần đổi mới sáng tạo để tăng cường an ninh tập thể. Chúng tôi sẽ nỗ lực loại bỏ các rào cản thương mại quốc phòng giữa các đồng minh và khai thác các mối quan hệ đối tác để thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng.”, tuyên bố chung của NATO nói.

Văn Phong/Sputnik, Kyivindependent