Bạo lực leo thang!

Giao tranh giữa Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự nước này (RSF) tiếp tục diễn ra ngày thứ ba với diễn biến leo thang mới.

Quân đội Chính phủ đã huy động máy bay chiến đấu thực hiện các cuộc không kích nhắm vào căn cứ của RSF và các khu vực gần Dinh Tổng thống, Sở chỉ huy quân đội, Đài truyền hình quốc gia,.. các vị trí mà RSF đang cố kiểm soát.

Từ sáng sớm ngày 17/4, một cuộc không kích dữ dội kéo dài 2 giờ làm rung chuyển thủ đô Khartoum. Tiếng pháo hạng nặng cũng được nghe thấy ở các vùng lân cận. Một số thông tin cho biết, đã có những cuộc đụng độ mới ở Sân bay Quốc tế Merowe ở miền Bắc Sudan.

Người phát ngôn Quân đội Sudan, Nabil Abdullah, xác nhận, lực lượng này đã tiến hành các cuộc không kích nhắm vào các vị trí của RSF, truy kích lực lượng này nhằm “chấm dứt giao tranh”.

leftcenterrightdel
 Máy bay chiến đấu của quân đội Sudan được huy động, thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các vị trí của lực lượng RSF. Nguồn: Aljazeera.

Bộ Ngoại giao Sudan cho biết, người đứng đầu quân đội nước này al-Burhan đã lệnh giải tán RSF và gọi lực lượng này là nhóm nổi loạn.

Đây được cho là đợt bùng phát bạo lực khốc liệt nhất ở thủ đô Sudan trong những thập kỷ gần đây, giữa 2 lực lượng cạnh tranh quyền lực mà lãnh đạo của hai bên nắm giữ hai vị trí cao nhất trong Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan.

Trước đó trong đêm, người dân cho biết những tiếng nổ nổ lớn và tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu ở quận Kafouri, thành phố Bahri kề cận với thủ đô Khartoum, nơi có căn cứ của RSF.

Ít nhất 97 thường dân đã thiệt mạng và 365 người khác bị thương kể từ khi giao tranh ở Sudan bắt đầu vào đầu sáng 15/4, theo một con số được công bố bởi Hiệp hội Bác sĩ Sudan. 

leftcenterrightdel
 Khói bốc lên trên các tòa nhà dân cư ở thủ đô Khartoum của Sudan vào 17/4.  Ảnh: AFP.

Con số thương vong được nói sẽ gia tăng do các cuộc giao tranh diễn ra gần các khu dân cư.

Xung đột tranh giành quyền lực kéo dài làm tăng nguy cơ đẩy Sudan vốn bất ổn chính trị và bạo lực diễn ra nhiều năm qua, rơi vào nội chiến, bốn năm sau khi nhà độc tài cầm quyền lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy; cũng như làm chệch hướng các nỗ lực được quốc tế hậu thuẫn nhằm khởi động một quá trình chuyển đổi sang chế độ dân sự dự ở quốc gia Bắc Phi.

Nỗ lực ngừng bắn

Nói bên lề cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản hôm 17/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, cần ngừng bắn ngay lập tức tại Sudan, bởi bạo lực đang gây tổn thất cho dân thường.

“Người dân Sudan muốn quân đội quay trở về doanh trại. Họ muốn dân chủ. Họ muốn chính phủ do dân sự lãnh đạo, Sudan cần trở lại con đường đó.”, ông Blinken tuyên bố.

Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cũng kêu gọi Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan, người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp Sudan và lãnh đạo RSF, tướng Mohamed Hamdan Dagalo, cấp phó của ông al-Burhan, đảm bảo việc bảo vệ an toàn cho thường dân.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Quân đội Sudan triển khai tại thành phố cảng Port Sudan bên bờ Biển Đỏ. Ảnh: AFP.

Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực đang gia tăng ở Sudan, hôm 16/4, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD) của châu Phi đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh bất thường.

Văn phòng Tổng thống Kenya William Ruto cho biết, IGAD có kế hoạch cử Tổng thống của 3 nước Kenya, Nam Sudan và Djibouti tới Sudan càng sớm càng tốt để hòa giải các bên xung đột.

Trong khi người đứng đầu Văn phòng Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), thông báo, Hội đồng An ninh và Hòa bình của Liên minh châu Phi (AUPSC) cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 16/4 tại Addis Ababa và quyết định yêu cầu Chủ tịch Ủy ban châu Phi Moussa Faki Mahamat tới Khartoum sớm nhất có thể trong nỗ lực nhằm chấm dứt giao tranh.

leftcenterrightdel
 Khói bốc lên từ đường băng của Sân bay Quốc tế Khartoum. Ảnh: Abdullah Abdel Moneim/ Reuters.

Hôm 16/4, Chương trình Lương thực của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết đã tạm thời dừng mọi hoạt động cứu trợ tại Sudan sau khi 3 nhân viên người địa phương của cơ quan này thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Bắc Darfur và một máy bay của WFP bị trúng đạn tại sân bay Khartoum.

Giao tranh nổ ra vào cuối tuần qua sau khi căng thẳng gia tăng xung quanh việc RSF sáp nhập vào quân đội. Sự bất đồng về lịch trình cho việc này đã làm trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận được quốc tế hậu thuẫn với các đảng chính trị của Sudan về quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, dự kiến diễn ra vào đầu tháng.

RSF phát triển từ lực lượng dân quân liên kết với chính phủ được gọi là Janjaweed, đã chiến đấu trong một cuộc xung đột do tranh chấp bộ tộc bắt đầu năm 2003 ở vùng Darfur, được chính phủ của Tổng thống Omar al-Bashir sử dụng để giúp quân đội dẹp các nhóm nổi loạn.

RSF dần lớn mạnh, hiện diện như một lực lượng vũ trang độc lập bên cạnh quân đội và hiện được cho có 100 nghìn người.

Văn Phong/Reuters, Aljazeera