Đối đầu trực tiếp giữa NATO- Nga!

Hôm 27/2, Điện Kremlin cảnh báo, chiến tranh giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ đứng đầu sẽ không thể tránh khỏi nếu các thành viên châu Âu của NATO gửi quân đến chiến đấu ở Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong quan hệ Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

Hôm 26/2, trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Paris về hỗ trợ Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói, không thể loại trừ khả năng phương Tây gửi quân tới Ukraine, mặc dù ông lưu ý chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này.

Khi được hỏi về phản ứng trước phát biểu của ông Macron, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên: “Việc thảo luận về khả năng gửi một số quân từ các nước NATO tới Ukraine là một yếu tố mới rất quan trọng”.

leftcenterrightdel
 Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters.

“Trong trường hợp này, không cần nói về khả năng xảy ra mà nói về khả năng không thể tránh khỏi một cuộc va chạm với NATO. Đó là cách đánh giá của chúng tôi. Và các quốc gia này cũng phải đánh giá và nhận thức rõ ràng về điều đó. Và đặt câu hỏi liệu điều này có phù hợp với lợi ích của họ và quan trọng nhất là vì lợi ích của công dân nước họ hay không.”, ông Peskov nói.

Cuộc đối đầu giữa Nga và NATO được nhìn nhận là một cơn ác mộng đối với cả giới lãnh đạo và người dân.

Nga và Mỹ, cường quốc đứng sau NATO, có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo rằng xung đột giữa Nga và NATO có thể gây ra Thế chiến ba.

Lãnh đạo châu Âu và NATO loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine

Lãnh đạo một số nước thành viên NATO, đặc biệt là Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia, đã loại trừ khả năng cử quân nhân từ nước họ tới Ukraine, truyền thông châu Âu đưa tin hôm 27/2.

“Trong một cuộc thảo luận tốt đẹp, chúng tôi đã bàn thảo về những gì chúng tôi đã đồng ý ban đầu với nhau, cụ thể là sẽ không có lực lượng mặt đất hoặc binh lính nào được lực lượng NATO hoặc các nước châu Âu gửi đến Ukraine.”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.

Hungary cũng từ chối gửi quân nhân tới Ukraine.

“Chúng tôi xem và nghe tin tức về cuộc gặp diễn ra ở Paris đêm qua. Quan điểm của Hungary rất rõ ràng và không thể lay chuyển: chúng tôi không có ý định gửi vũ khí hoặc nhân viên quân sự tới Ukraine.”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố.

leftcenterrightdel
 Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy tại 1 nhà ga bị phá hủy sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga ở Kostyantynivka, vùng Donetsk, Ukraine ngày 25/2. Ảnh: AFP.

Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết nước ông “chắc chắn không muốn gửi binh sĩ tới Ukraine” và không xem xét khả năng như vậy.

Ba Lan cũng bác bỏ ý tưởng này. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết: “Ba Lan không xem xét khả năng gửi quân nhân tới Ukraine”.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho biết, Slovakia sẽ không đưa quân tới Ukraine.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh không có kế hoạch cử các đơn vị chiến đấu tới Ukraine.

“Các đồng minh NATO đang cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine... Nhưng NATO không có kế hoạch đóng quân tại Ukraina.”, ông Stoltenberg nói.

Hôm 27/2, Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại rằng, Tổng thống nước này Joe Biden đã loại trừ việc gửi quân đội đến chiến đấu ở Ukraine.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Pháp Sejourne giải thích, trường hợp Paris gửi quân đến Ukraine là để phục vụ cho những nhu cầu cụ thể, nhưng không phải là để tham gia cuộc chiến chống lại Nga. Ảnh: AP.

Cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều cho biết ưu tiên hàng đầu là Quốc hội phê duyệt viện trợ quân sự mới cho Ukraine.

“Về cơ bản, chúng tôi nghĩ rằng con đường dẫn đến chiến thắng cho Ukraine hiện nay nằm ở Hạ viện Mỹ.”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Matthew Miller nhấn mạnh.

Xoa dịu những phản ứng của giới chính trị trong nước sau phát biểu của ông Macron, hôm 27/2, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne giải thích, Paris có thể gửi quân đến Ukraine để phục vụ cho những nhu cầu cụ thể, nhưng không phải là để tham gia cuộc chiến chống lại Nga.

“Chúng tôi phải xem xét những hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những hành động này phải đáp ứng những nhu cầu rất cụ thể. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc rà phá bom mìn, phòng thủ mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine.”, ông Sejourne nói với các nhà lập pháp.

“Một số công việc có thể yêu cầu sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine mà không vượt qua ngưỡng chiến đấu. Không thể loại trừ bất cứ điều gì. Đây đã và vẫn là quan điểm của Tổng thống cho đến nay.”, Ngoại trưởng Pháp giải thích.

Văn Phong/Sputnik, CNN, Reuters