Ngày 27/3, truyền thông Nga dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Jamaica Andrew Holness một ngày trước, trong đó nêu ra các điều kiện mà Nga đưa ra để áp dụng lệnh tạm dừng các cuộc không kích ở Biển Đen.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, các yêu cầu này bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga.

“Chúng tôi sẽ đánh giá điều này. Một số điều kiện trong đó bao gồm các lệnh trừng phạt không phải của chúng tôi mà liên quan đến Liên minh châu Âu.”, ông Rubio nói, lưu ý, cấu trúc hiện tại của các biện pháp hạn chế trên toàn cầu cần được đánh giá lại như một phần của giải pháp cuối cùng.

“Chúng tôi sẽ đánh giá các cuộc họp với phía Ukraine diễn ra như thế nào, với phía Nga ra sao, mỗi bên yêu cầu những gì để hiểu rõ lập trường của họ. Chúng tôi sẽ phân tích và trình lên Tổng thống Donald Trump, người sẽ quyết định các bước tiếp theo.”, nhà ngoại giao Mỹ nói, thừa nhận, mục tiêu chấm dứt chiến tranh và hướng tới nền hòa bình lâu dài ở Ukraine sẽ không dễ dàng, nhưng ít nhất các bên đang trên tiến trình đó.

leftcenterrightdel
 Ngoại trưởng Mỹ Rubio phát biểu trong cuộc họp báo ở Jamaica, ngày 26/3. Ảnh: AFP.

Trong khi đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Keith Kellogg nói với kênh truyền hình Fox News, cho biết, cuộc thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn Biển Đen đã trở thành giai đoạn dễ dàng nhất trong tiến trình giải quyết xung đột Ukraine.

“Lý do chúng tôi bắt đầu với nội dung này là vì nó đơn giản hơn cả. Các bước khác sẽ thực sự khó khăn, đó là về vấn đề lãnh thổ, vấn đề tấn công vào các thành phố và các cuộc tấn công tên lửa ở cả hai bên.”, ông Kellogg nói.

Theo ông Kellogg, sẽ không có bên nào hoàn toàn hài lòng với thỏa thuận cuối cùng. Cả hai bên sẽ không nhận được tất cả mọi thứ mà họ mong muốn.

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng, việc thảo luận về vấn đề lãnh thổ sẽ đặc biệt khó khăn do sự khác biệt giữa quyền kiểm soát thực tế và quyền kiểm soát hợp pháp đối với chúng.

Ông Kellogg cũng cho biết, họ đang đánh giá những đòi hỏi của Nga và Ukraine và sẽ trình lên Tổng thống Donald Trump để quyết định; lưu ý, mục tiêu chính vẫn là đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện.

leftcenterrightdel
 Các cuộc tấn công lẫn nhau của Ukraine và Nga ở Biển Đen gây tổn thất nặng nề cả về quân sự và kinh tế cho cả 2 bên/@ua_industrial

Tin liên quan, ngày 26/3, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ được thảo luận trong khuôn khổ thỏa thuận hòa bình lâu dài, chứ không phải về lệnh ngừng bắn tạm thời vì điều này còn quá sớm.

“Với tôi, vấn đề trừng phạt nên được nêu ra trong khuôn khổ một giải pháp hòa bình lâu dài và đáng tin cậy. Tôi nghĩ vấn đề trừng phạt sẽ nảy sinh tại một thời điểm nhất định, nhưng hiện tại thì vẫn còn quá sớm.”, ông Macron nói.

Nhà lãnh đạo Pháp cũng công bố gói hỗ trợ quân sự mới trị giá 2 tỉ euro (khoảng 2,15 tỉ USD) cho Ukraine; đồng thời bày tỏ sự kiên định trong việc sát cánh với Kyiv trong cuộc chiến với Nga.

Vào các ngày 23 và 24/3, tại Riyadh, Ả Rập Xê Út, Mỹ có các cuộc thảo luận riêng rẽ với các nhóm chuyên gia từ Ukraine và Nga.

Kết quả, đại diện các bên đã nhất trí đảm bảo thực hiện Sáng kiến Biển Đen, trong đó có việc duy trì an ninh hàng hải và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại vào mục đích quân sự.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Pháp Macron (bên phải) trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Zelensky tại Paris, ngày 26/3. Nguồn: EmmanuelMacron.

Theo truyền thông Nga, tuyên bố về kết quả các cuộc gặp cũng nêu rõ các thỏa thuận về Sáng kiến Biển Đen sẽ có hiệu lực sau khi Phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu của Nga, trong đó có thủy sản và phân bón;

Dỡ bỏ các hạn chế đối với hoạt động của các công ty bảo hiểm liên quan đến hàng lương thực; cũng như lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank và các tổ chức tài chính khác tham gia hỗ trợ thương mại quốc tế về lương thực và phân bón;

Mặt khác, dỡ bỏ các hạn chế về dịch vụ tại cảng của các tàu mang cờ Nga tham gia vào hoạt động buôn bán lương thực, cũng như các hạn chế việc cung cấp cho Nga máy móc nông nghiệp và các hàng hóa khác được sử dụng trong sản xuất lương thực.

Chuyên gia phân tích tài chính kỳ cựu Paul Goncharoff cho biết, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu liên tục các sản phẩm thực phẩm của Nga và Ukraine từ các cảng ở Biển Đen sẽ có tác động thực sự đến việc giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực ở một số quốc gia thuộc Phương Nam toàn cầu.

Nói về lý do tại sao Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được đưa ra vào thời điểm này, trước khi lệnh ngừng bắn thực sự có hiệu lực, chuyên gia Goncharoff giải thích, sáng kiến này tạo tiền đề cho một quá trình đàm phán được bắt đầu bằng một “chiến thắng” cho tất cả các bên, tạo ra một âm hưởng tích cực quan trọng, vượt trên khái niệm điều đúng đắn cần làm.

Văn Phong (theo Sputnik, BNG Mỹ)