Mỹ dự kiến sẽ đàm phán với Nga và Ukraine tại Ả Rập Xê Út trong những ngày tới, sau khi cả hai bên xung đột nhất trí ngừng bắn đối với các cơ sở năng lượng, Đài NHK cho biết hôm 21/3.

Cuộc đàm phán được cho là sẽ tập trung vào chi tiết của lệnh ngừng bắn một phần, do Mỹ đề xuất.

Cùng ngày, truyền thông Nga dẫn phát biểu của Đặc phái viên của Tổng thống Trump, Keith Kellogg, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Glenn Beck, nói rằng, Nhà Trắng có ý định tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp tại Ả Rập Xê Út giữa đại diện của Nga và Ukraine.

Cuộc gặp của đại diện Mỹ riêng rẽ với từng bên, nhằm để hiểu rõ các điều kiện của mỗi bên về lệnh ngừng bắn hoàn toàn, bước đầu tiên hướng tới chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài gần hai giờ.

leftcenterrightdel
 Trong cuộc điện đàm ngày 18/3, ông Putin (bên phải) đồng ý với đề xuất của Mỹ về lệnh ngừng bắn một phần ban đầu trong 30 ngày tại Ukraine. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí việc các bên tăng cường liên lạc. Ảnh: Sputnik.

Bên cạnh những động thái khác, nhà lãnh đạo Nga đã phản ứng tích cực với ý tưởng các bên trong cuộc xung đột cùng nhau kiềm chế các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày.

Ngoài ra, hai ông Putin và Trump đã nhất trí ngay lập tức bắt đầu các cuộc đàm phán mang tính kĩ thuật về việc đưa ra lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, lệnh ngừng bắn hoàn toàn và hòa bình lâu dài.

Ngày 19/3, Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm trước đó cùng ngày với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ủng hộ ý tưởng ngừng bắn đối với các cơ sở năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng dân sự khác, xem đây là bước đầu tiên hướng tới chấm dứt hoàn toàn chiến tranh.

Theo tuyên bố của trợ lí Tổng thống Nga, Yuri Ushakov, các cuộc đàm phán Nga- Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 24/3 tại Riyadh, Ả Rập Xê Út.

Về phía Nga, sẽ có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Grigory Karasin và Cố vấn Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Sergei Beseda.

Văn Phong/Sputnik, NHK