Hôm 10/3, quân đội Mỹ cho biết đã thực hiện một chiến dịch không vận sơ tán những nhân viên không thiết yếu rời khỏi Đại sứ quán nước này ở Haiti, đồng thời bổ sung lực lượng để tăng cường an ninh tại đây, khi quốc gia Caribe bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Cùng ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận đã tiến hành một chiến dịch sơ tán trong đêm, do bạo lực gia tăng ở khu vực gần khu Đại sứ quán nước này cũng như khu vực sân bay quốc tế ở Port-au-Prince.

leftcenterrightdel
 Người dân biểu tình yêu cầu Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức ngày 7/3.  Ảnh: Guerinault Louis / Anadolu / Getty.

Các nguồn tin cũng cho biết, đại diện ngoại giao của Đức và Liên minh châu Âu tại Port-au-Prince đã tạm thời đóng cửa các văn phòng và giảm sự hiện diện ở Haiti xuống mức tối thiểu, với lý do lo ngại về an ninh. Nhân viên ngoại giao, bao gồm các đại sứ cũng đã được sơ tán.

Sân bay quốc tế Toussaint Louverture bị đóng trong khi cảng container chính ở Port-au-Prince bị tấn công và cướp phá vào ngày 8/3.

leftcenterrightdel
 Tình hình bất ổn ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti / France24.

Nguồn tin lưu ý, ngoài rủi ro nguy hiểm trong bối cảnh hỗn loạn, các nguồn cung lương thực cạn kiệt, trong khi điện và thông tin liên lạc gián đoạn.

Sự hỗn loạn đã buộc hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa trong những ngày qua.

Tình hình bất ổn ở Haiti cũng ảnh hưởng đến việc phân phối các nguồn cung cấp thiết yếu của các tổ chức viện trợ, trong đó Chương trình Lương thực Thế giới đã đình chỉ việc phân phối viện trợ trên khắp Haiti.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 10/3. Ảnh: Reuters/Ralph Tedy Erol.

Theo người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, Stephane Dujarric, cũng như Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA), hệ thống chăm sóc sức khỏe của Haiti gần như sụp đổ và nhiều trung tâm y tế buộc phải giảm hoạt động do bạo lực cũng như thiếu nhân lực và thuốc men. Các bác sĩ ở Haiti đang tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ trong bối cảnh thiếu oxy và thiếu nước.

Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp vào cuối tuần trước sau khi giao tranh leo thang trong lúc Thủ tướng Haiti Ariel Henry đang ở Nairobi, Kenya để tìm kiếm một thỏa thuận cho sứ mệnh do LHQ hậu thuẫn vốn bị trì hoãn từ lâu.

leftcenterrightdel
Cảnh sát tuần tra trên đường phố ở Port-au-Prince ngày 8/3, sau khi chính quyền gia hạn tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh bạo lực băng đảng đe dọa lật đổ chính phủ. Ảnh: Reuters/Ralph Tedy Erol.

Năm ngoái, Kenya tuyên bố sẽ lãnh đạo lực lượng này nhưng nhiều tháng tranh chấp pháp lý trong nước đã khiến sứ mệnh này phải tạm dừng.

Hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thảo luận với Tổng thống Kenya William Ruto về cuộc khủng hoảng Haiti, trong đó hai bên đã nhấn mạnh cam kết của họ đối với sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự tại quốc gia này.

Trong tuyên bố, Bộ Tư lệnh miền Nam của quân đội Mỹ (USSOUTHCOM), nói, Washington vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu đó.

leftcenterrightdel
 Người dân ở thủ đô Port-au-Prince, Haiti rời bỏ nhà cửa chạy trốn khỏi bạo lực ngày 9/3. Ảnh: Reuters/Ralph Tedy Erol.

“Đại sứ quán của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Haiti, bao gồm huy động sự hỗ trợ cho Cảnh sát Quốc gia Haiti, đẩy nhanh việc triển khai sứ mệnh Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MSS) được LHQ ủy quyền và đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.”, USSOUTHCOM nói.

Sự thất vọng của công chúng đối với Thủ tướng Henry, vốn ngày càng gia tăng do ông không thể kiềm chế tình trạng bất ổn, đã bùng lên sau khi ông không từ chức vào tháng trước.

leftcenterrightdel
 Cảnh sát canh gác bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 10/3. Ảnh: Reuters/Ralph Tedy Erol.

Thủ tướng đã gặp khó khăn khi trở về nước kể từ khi rời Kenya hai tuần trước để ký thỏa thuận cho một phái đoàn đa quốc gia do Kenya lãnh đạo nhằm khôi phục an ninh ở đất nước.

Thủ lĩnh băng đảng khét tiếng ở Haiti Jimmy Cherizier tuyên bố, sẽ tiếp tục nỗ lực chống lại các lực lượng chính phủ để lật đổ Thủ tướng Ariel Henry, đồng thời cảnh báo về một cuộc nội chiến sẽ kết thúc bằng nạn diệt chủng nếu Thủ tướng không từ chức.

Theo kế hoạch, Khối cộng đồng và thị trường chung Caribe (CARICOM) gồm 25 quốc gia khu vực, sẽ tổ chức một cuộc họp về Haiti tại thủ đô Kingston, Jamaica vào 11/3, theo LHQ.

Văn Phong/Reuters, CNN