Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kí luật, chính thức rút Nga khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở (OST). Động thái diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Putin- Biden, dự kiến diễn ra ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trước đó dự luật đã được Hạ viện (Duma Quốc gia Nga) thông qua ngày 19/5 và Thượng viện (Hội đồng Liên bang Nga) thông qua ngày 2/6, với đa số phiếu tán thành.
Ngày 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã thông báo với người đồng cấp Nga Sergey Ryabkov về quyết định của Washington không tái tham gia OST. Theo nhà ngoại giao cấp cao của Nga, Moscow không có ý định thay đổi lập trường của mình liên quan đến Hiệp ước Bầu trời Mở, mà Nga cho rằng, có lợi cho Washington.
|
|
Tổng thống Nga V. Putin. Ảnh: Văn phòng Báo chí Tổng thống Nga/TASS. |
Ngày 21/5, Tổng thống Mỹ D.Trump thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Cuối tháng 11/2020, Washington đã hoàn tất thủ tục ra khỏi OST, với cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản của Hiệp ước.
Vào ngày 15/1, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, Nga đang khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở vì lí do không đạt được tiến bộ trong việc tháo gỡ các trở ngại để Hiệp ước này vẫn có hiệu lực sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước. Mặc dù tuyên bố vậy, nhưng Moscow dường như vẫn chờ đợi một tín hiệu tích cực từ phía Washinhton, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét lại các quyết sách của chính quyền tiền nhiệm, bao gồm cả việc rút khỏi OST.
Vào tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, các nhà chức trách nước này vẫn chưa đưa ra quyết định quay trở lại Hiệp ước. Washington cho rằng, Nga tuân thủ OST một cách “nửa vời” và vi phạm một số điều khoản của Hiệp ước ước này. Trong khi Moscow cũng cáo buộc Washington vi phạm Hiệp ước.
|
|
Máy bay trinh sát Boeing P-8A Poseidon của Mỹ. Ảnh: Boneyard Safari/Airliners |
Hiệp ước Bầu trời Mở được kí kết năm 1992, có hiệu lực từ năm 2002, như một công cụ nhằm xây dựng lòng tin giữa các thành viên tham gia sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Có 35 quốc gia đã phê chuẩn Hiệp ước, bao gồm Nga, Mỹ. Hiệp ước thiết lập một chương trình bay giám sát trên không, không vũ trang trên toàn bộ lãnh thổ của các bên tham gia, để thu thập và kiểm chứng thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự, với tần suất theo một hạn ngạch được ấn định và phương tiện, thiết bị giám sát được quy chuẩn.
Mục đích chính của Hiệp ước là nâng cao tính minh bạch, hỗ trợ giám sát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hiện tại hoặc trong tương lai, mở rộng khả năng ngăn ngừa và quản lí các cuộc khủng hoảng.