Reuters dẫn thông báo của Lầu Năm Góc cho biết quả đạn được khai hỏa lúc 8h30 sáng 12/12 (giờ Mỹ) từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California rồi bay hơn 500km trước khi rơi xuống khu vực định sẵn trên Thái Bình Dương.
Khoảnh khắc tên lửa tầm trung được khai hỏa từ căn cứ Mỹ. Video: Youtube
"Dữ liệu và kinh nghiệm thu được từ cuộc thử nghiệm sẽ giúp Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển tên lửa tầm xa trong tương lai", thông báo của Lầu Năm Góc có đoạn khẳng định.
Đây là lần thứ hai Mỹ khai hỏa một quả tên lửa có tầm bắn trong khoảng 500-5.500km từ mặt đất, vốn bị cấm bởi Hiệp ước INF, 4 tháng sau khi nước này chính thức rút khỏi thỏa thuận. Hồi tháng 8, Mỹ đã khai hỏa một tên lửa hành trình từ mặt đất có tầm bắn khoảng 1.000km.
Nga hiện chưa bình luận về cuộc thử nghiệm này. Vụ phóng thử của Mỹ cũng không bất ngờ vì Washington đã thông báo về kế hoạch khai hỏa các mẫu tên lửa tầm trung ngay khi INF hết hiệu lực hôm 2-8.
INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai nước sản xuất, vận hành tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Hiệp ước này có vai trò quan trọng giúp chấm dứt nghi kị giữa hai siêu cường quân sự hậu Chiến tranh Lạnh.
Nga và Mỹ đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước INF. Mỹ tuyên bố Nga đã thử nghiệm và triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 có tầm bắn hơn 500km đến 5.000km, trái với quy định của hiệp ước và lấy đây làm cớ rút khỏi thỏa thuận.
Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ, đồng thời cho rằng chính Washington đã vi phạm INF khi triển khai bệ phóng Aegis Ashore MK-41 tới châu Âu, vốn có thể sử dụng để phóng tên lửa Tomahawk phiên bản mặt đất. Sau khi Mỹ rút khỏi INF, Nga có động thái tương tự để trả đũa.
Giới chuyên gia nhận định vụ thử cũng có thể là tín hiệu gửi tới cả Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước có nguy cơ leo thang khi đến gần hạn chót do Bình Nhưỡng đặt ra vào cuối năm nay. Bình Nhưỡng gần đây phô diễn khả năng quân sự trong lĩnh vực này với vài vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn, trung bình và tầm xa thành công.