Hôm 24/4, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, tổng chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng trong năm thứ 8 liên tiếp và đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022 với 2,24 nghìn tỉ đô la, tăng 3,7% so với năm 2021.
Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1988, khi dữ liệu về lĩnh vực này được thiết lập.
Năm quốc gia có mức chi tiêu hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út, chiếm 63% tổng mức chi tiêu quân sự toàn cầu.
Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI nói, sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là “dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an. Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi”.
Báo cáo cho biết, chi tiêu quân sự của Ukraine tăng gấp 7,4 lần so với năm trước và đạt 44 tỉ USD, chiếm 34% tổng sản phẩm quốc nội nước này trong năm, trở thành quốc gia có chi tiêu quân sự lớn thứ 11 từ vị trí thứ 36 của năm trước đó.
Với mức chi tiêu này, lần đầu tiên Ukraine lọt vào tốp 15 quốc gia có mức chi tiêu quân sự lớn nhất toàn cầu.
Nga chứng kiện mức chi tiêu quân sự tăng vọt, lên 86,4 tỉ USD, tăng tới 9,2% so với năm trước đó, lên vị trí thứ ba từ vị trí thứ năm trong nhóm các quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu.
Chi tiêu quân sự của Nga tăng kỉ lục chủ yếu từ cuộc chiến ở Ukraine.
|
|
Chi tiêu quân sự toàn cầu tăng vọt chủ yếu từ cuộc chiến Ukraine. Ảnh: AP. |
Chi tiêu quân sự ở châu Âu cũng tăng tới 13% lên 480 tỉ USD. Các quốc gia có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất là Phần Lan 36%, Litva 27%, Thụy Điển 12% và Ba Lan 11%.
Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI cho biết, cuộc chiến Ukraine có tác động lập tức đến các quyết định chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu, khiến nó trở lại mức của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Riêng ở Trung Âu, chi phí cho quân sự năm ngoái lên tới 345 tỉ đô la.
Như thường thấy, chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới thuộc về Mỹ, đạt 877 tỉ USD vào năm 2022, tăng 0,7% so với năm trước, phần lớn là do mức viện trợ quân sự, tài chính chưa từng có cho Ukraine, với tổng trị giá 19,9 tỉ USD trong năm.
Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng chi tiêu quân sự trong năm thứ 28 liên tiếp.
Năm 2022, chi tiêu cho quân sự của Mỹ nhiều gấp 3 lần so với Trung Quốc, quốc gia đứng ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng.
Trong khi chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản tăng 5,9% lên 46 tỉ USD, đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng.
Hàn Quốc đã chi 46,4 tỉ đô la cho quân sự, lên vị trí thứ 9.
Xiao Liang, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI cho rằng, Nhật Bản đang trải qua một sự thay đổi sâu sắc trong chính sách quân sự của mình, trong đó nới lỏng những hạn chế về tiềm lực cũng như chi tiêu quân sự.