Ấn định biên giới biển và khu vực lợi ích quốc gia
Hôm 31/7, đúng vào ngày diễn ra lễ diễu binh tôn vinh Ngày Hải quân, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân và Điều lệ Tàu của Hải quân Nga.
Tổng thống Nga tuyên bố, trong Học thuyết Hải quân mới của Liên bang Nga công khai ấn định rõ các biên giới của nước này, kể cả ở Bắc Cực và Biển Đen.
|
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Saint-Petersburg ở Pháo đài Petropavlovskaya, đúng vào dịp diễn ra lễ diễu binh tôn vinh Ngày Hải quân, 31/7. Ảnh: Mikhail Klimentyev/TASS. |
"Chúng tôi đã công khai ấn định rõ các biên giới và khu vực lợi ích quốc gia của Nga, điều quan trọng sống còn cả về kinh tế và chiến lược. Trước hết, đó là các vùng biển Bắc Cực, các vùng biển của Biển Đen, biển Okhotsk và biển Bering, các eo biển Baltic và Kuril.", Tổng thống Nga nói, nhấn mạnh, Moscow sẽ bảo vệ vững chắc đường biên giới bằng mọi phương tiện.
Xác định mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga
Một trong những phần quan trọng của Học thuyết Hải quân mới của Nga là xác định thách thức và mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của nước này.
Theo Học thuyết, thách thức và mối đe dọa này chính là chiến lược của Mỹ hướng tới sự thống trị các đại dương trên thế giới và ảnh hưởng toàn cầu của nó đối với các tiến trình quốc tế, bao gồm những vấn đề liên quan đến việc sử dụng các tuyến đường giao thông và các nguồn năng lượng của đại dương thế giới.
|
|
Nga sẽ đóng các tàu sân bay tiên tiến cho Hải quân phục vụ chiến lược của học thuyết mới. Ảnh: Kremlin.ru |
Học thuyết mới cũng xác định việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO tiến gần tới biên giới Nga và ngày càng có nhiều cuộc tập trận của khối ở các vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Nga là những mối đe dọa an ninh lớn.
Tài liệu chỉ ra những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm hạn chế việc Nga tiếp cận các nguồn tài nguyên của các đại dương thế giới và các tuyến vận tải biển cực kỳ quan trọng và Mỹ mong muốn đạt được uy thế hải quân áp đảo.
Học thuyết mới dự tính đa dạng hóa và tăng cường hoạt động hàng hải trên các quần đảo ở Bắc Cực, bao gồm Spitsbergen, Franz Josef Land và Novaya Zemlya và đảo Wrangel.
|
|
Mô hình tàu sân bay tương lai “Lamantin” thuộc dự án 11430E tại triển lãm St.Petersburg. Ảnh: aoosk.ru |
Theo Học thuyết mới, mục tiêu chiến lược của chính sách hải quân quốc gia Nga sẽ tăng cường khả năng hoạt động của Hải quân để đảm bảo an ninh quốc gia và bảo vệ các lợi ích của nước này ở đại dương thế giới; mặt khác, nâng cao hiệu quả phòng thủ và bảo vệ biên giới biển.
Học thuyết hải quân mới của Nga cũng vạch ra việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu hiện đại, công nghệ cao ở Viễn Đông, để đóng các tàu có trọng tải lớn (đặc biệt là cho sự phát triển của Bắc Cực) và các tàu sân bay tiên tiến cho Hải quân.
Học thuyết nhấn mạnh, việc NATO mở rộng tiến gần đến biên giới Nga là không thể chấp nhận được trong quan hệ của Moscow với khối quân sự; lưu ý, chính sách hải quân quốc gia của Nga ở khu vực Đại Tây Dương được định hình có tính đến sự tồn tại của NATO mà hoạt động của nó nhằm đối đầu trực tiếp với Nga và các đồng minh.