Trong bước đi đầy bất ngờ, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 18/4 thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ thử nghiệm vũ khí công khai đầu tiên của nước này sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

leftcenterrightdel
Tên lửa Triều Tiên trong vụ phóng thử năm 2017. Ảnh: KCNA 

KCNA không nói rõ loại vũ khí được thử nghiệm, nhưng khẳng định đây là vũ khí chiến thuật có "chế độ dẫn đường chiến đấu khác biệt" và "đầu đạn có sức công phá cực lớn". Vụ thử được tiến hành bởi Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên.

Cũng theo hãng tin Triều Tiên, loại vũ khí mới dường như có thể triển khai trên nhiều thiết bị và được phóng bằng nhiều phương pháp khác nhau với từng loại mục tiêu và “chứng minh môt cách hoàn hảo đặc tính kỹ thuật”.

Phát biểu sau vụ thử, nhà lãnh đạo Kim Jong-un gọi đây là “sự kiện có tầm quan trọng vô cùng to lớn” trong quá trình thúc đẩy sức mạnh quân sự của quân đội Triều Tiên.

Tuy nhiên, sáng 18/4, Bộ Chỉ huy phương Bắc và Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ đều cho biết không phát hiện một vụ phóng tên lửa từ phía Triều Tiên và đang tiến hành…kiểm tra thêm.

Reuters dẫn các nguồn tin quân sự nhận định, việc Mỹ không phát hiện vụ phóng cũng như việc Triều Tiên dùng từ “vũ khí chiến thuật” cho thấy khả năng cao loại vũ khí vừa được thử nghiệm là một tên lửa dẫn đường tầm ngắn, vốn thường được sử dụng trong các cuộc tấn công giáp mặt trên đất liền hoặc trên biển.

"Triều Tiên mô tả cuộc thử nghiệm diễn ra trong nhiều chế độ chiến đấu và nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau, điều này có nghĩa loại tên lửa này là đa năng, có thể phóng tử cả mặt đất, máy bay và tàu chiến”, chuyên gia quân sự Kim Dong-yub của Hàn Quốc, nói về vụ thử vũ khí mới của Bình Nhưỡng trên Reuters.

"Nhiều khả năng đó là tên lửa hành trình tầm ngắn, đóng vai trò nền tảng để phát triển các vũ khí đối đất và diệt hạm nhằm biên chế cho các quân binh chủng của Triều Tiên", ông Kim nói thêm.

Trong khi đó, Vipin Narang, phó giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts chuyên nghiên cứu về hạt nhân, cho biết loại khí tài vừa được thử nghiệm có thể là một hệ thống pháo phản lực phóng loạt MRLS hoặc một hệ thông phòng thủ bờ biển, vốn được công bố như một lời “nắn gân” trước việc Mỹ và Hàn Quốc sắp tập trận, theo CNN.

Nếu loại vũ khí trên đúng là tên lửa tầm ngắn phục vụ phòng thủ, điều đó đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng chưa quay lại với chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trước đây. Điều này giúp ngăn chặn nguy cơ Mỹ phản ứng gay gắt và chấm dứt mọi hình thức đàm phán với Triều Tiên.

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên gần đây có dấu hiệu phức tạp khi tình báo Hàn nói rằng họ phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang khôi phục hoạt động tại bãi phóng tên lửa. Tuy nhiên, phía Mỹ hiện khẳng định họ vẫn đang tiến hành các hoạt động đàm phán với Triều Tiên.

Thái An