Ngày 12/10, truyền thông Iran đưa tin, 2 vệ tinh Kowsar và Hodhod, do Omid Faza, một công ty tư nhân của Iran chế tạo, đã được chuyển đến Nga một ngày trước đó, để chuẩn bị phóng lên quỹ đạo.

Các vệ tinh sẽ hoạt động ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), ở độ cao 500km. 

Đây được coi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành công nghiệp vũ trụ của Iran, đánh dấu nỗ lực đáng kể đầu tiên về lĩnh vực này của khu vực tư nhân.

leftcenterrightdel
 Các vệ tinh do các kĩ sư trẻ từ Omid Faza, một công ty tư nhân về công nghệ vũ trụ phát triển. Ảnh: IRNA.

Vệ tinh Kowsar nặng 30kg, được thiết kế cho mục đích lập bản đồ và quản lí nông nghiệp độ chính xác cao, trong khi vệ tinh Hodhod phục vụ mạng lưới Internet vạn vật (IoT).

Cả hai dự án đều do một nhóm kĩ sư trẻ người Iran, với độ tuổi trung bình là 25, chủ công.

Tin nói, Kowsar một vệ tinh cảm biến từ xa có độ phân giải cao, được khởi động từ năm 2019; trong khi vệ tinh Hodhod được thiết kế và chế tạo trong vòng một năm, kế thừa kinh nghiệm và công nghệ từ Kowsar.

leftcenterrightdel
 Hai vệ tinh mới của Iran phục vụ các mục đích dân sự và hoạt động trên quỹ đạo ở độ cao 500km. Ảnh: IRNA.

Kowsar là vệ tinh chụp ảnh có độ phân giải cao phục vụ các ứng dụng trong quản lí như nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, giám sát môi trường và quản lí thảm họa.

Hodhod, một vệ tinh truyền thông cỡ nhỏ, được thiết kế cho các mạng truyền thông vệ tinh và IoT, cung cấp dịch vụ cho những vùng sâu xa, nơi hạn chế khả năng tiếp cận các mạng lưới mặt đất.

Ban đầu vụ phóng được lên kế hoạch vào năm 2023 nhưng đã bị trì hoãn, liên quan đến vấn đề kĩ thuật của tên lửa đẩy Soyuz, theo Tổng giám đốc điều hành Omid Faza, Hossein Shahrabi Farahani.

Văn Phong/IRNA