Lỗ hổng an toàn
Tròn 20 năm trước, vào ngày 11/9/2001, nước Mỹ và cả thế giới đã chấn động bởi loạt vụ tấn công khủng bố, đặc biệt tại tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, New York, cao 110 tầng.
Những kẻ cực đoan thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã cướp 4 chiếc máy bay thương mại và sử dụng chúng như những tên lửa nhằm vào những địa điểm mang tính biểu tượng của nước Mỹ.
Chiếc máy bay bị cướp đầu tiên đã đâm vào tháp Bắc ở vị trí từ tầng 93 đến 99, 15 phút sau, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào tháp Nam giữa các tầng 77 và 85.
Gần 3.000 người từ 90 quốc gia đã mất mạng trong chuỗi các cuộc tấn công khủng bố này, chưa kể 25.000 người khác bị thương. Vào tháng 9/2006, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush cho biết, thiệt hại do vụ khủng bố gây ra ít nhất 500 tỉ USD.
|
|
Tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới cũ có những bất cập về an toàn, trong đó hệ thống cầu thang thoát hiểm chạy dọc tòa nhà sẽ bị tác động trong tình huống bị máy bay đâm như vụ khủng bố 11/9. Ảnh: ATI. |
Bất chấp sự kinh hoàng của vụ 11/9, các kiến trúc sư và nhà phát triển bất động sản vẫn không ngừng xây dựng những tòa nhà chọc trời.
Hội đồng các cao ốc và môi trường sống đô thị (CTBUH) đã công bố một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 86 trong số 100 tòa nhà cao nhất thế giới được xây dựng từ năm 2001.
“Sau khi chứng kiến sự sụp đổ của các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới do bị tấn công khủng bố, nhiều người, bao gồm cả một số chuyên gia trong ngành xây dựng, tin rằng, con người sẽ không còn thoải mái sống, làm việc trong những tòa nhà mang tính biểu tượng như vậy nữa. Tuy nhiên, 20 năm sau, nghiên cứu dữ liệu chỉ ra điều hoàn toàn ngược lại, với số lượng nhà cao tầng được xây dựng kể từ vụ 11/9 nhiều hơn gấp 5 lần so với số lượng nhà cao tầng tồn tại trước đó.”, CTBUH cho biết.
Giải pháp thoát hiểm mới
Một câu hỏi đặt ra, trong một tình huống tương tự xảy ra như sự kiện 11/9, việc thoát hiểm và cứu hộ tại các tòa nhà cao tầng sẽ như thế nào.
Ngay sau sự kiện 11/9, một số bài báo đã đề xuất một trong những giải pháp thoát hiểm tại các tòa nhà chọc trời là xây dựng bằng các máng trượt lớn.
|
|
Tháp Tự do (Freedom Tower), tòa nhà được xây dựng trên nền Trung tâm Thương mại thế giới cũ ở New Yok, Mỹ. Ảnh: Siegfried Layda/ Getty. |
Mặc dù chưa từng có máng trượt nào như vậy được xây dựng, nhưng một số nhà phát minh đã đưa ra các thiết bị thoát hiểm hoạt động theo nguyên tắc tương tự. Tuy nhiên, hệ thống này có giới hạn về chiều cao vận hành, hầu hết không thể được sử dụng từ độ cao trên 45m hoặc 13 tầng.
Trong khi tháp Tự do (Freedom Tower), tòa nhà được xây dựng trên nền Trung tâm Thương mại thế giới cũ ở New Yok, Mỹ, cao đến 417m/104 tầng, không bao gồm phần chóp; hơn thế, tháp Burj Khalifa ở Dubai, tòa nhà cao nhất thế giới, cao đến 830m/160 tầng.
Một phương tiện cứu hộ có thể giúp giải thoát các nạn nhân khỏi các tòa nhà chót vót là trực thăng. Thế nhưng cả 2 tháp Burj Khalifa và Tự do đều không có sân bay trực thăng trên sân thượng. Ngay cả khi sân bay trực thăng được thiết kế, chúng có khi cũng không giúp ích gì.
|
|
Tháp Tự do được thiết kế khối lõi cực kì vững chắc, nơi chứa hệ thống thang máy, thông tin liên lạc và điện nước của tòa nhà. Nguồn: SPI, SOM. |
Vào tháng 9/2001, các máy bay trực thăng đã được điều đến để giải cứu các nạn nhân đang mắc kẹt bên trong tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới, New York, nhưng khói dày đặc khiến máy bay không thể hạ cánh trên các sân bay trực thăng của cả hai tòa nhà.
Cách duy nhất để lính cứu hộ tiến hành giải cứu nạn nhân mắc kẹt là leo lên cầu thang bên trong một tòa nhà.
Hàng trăm lính cứu hỏa đã được triển khai để cố gắng giải cứu những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên lực lượng cứu hộ không có cách nào giải cứu số người bị mắc kẹt ở các tầng phía trên vị trí mà máy bay đâm vào của hai tòa tháp, do hệ thống cầu thang đã bị phá hủy. Hàng chục người bị mắc kẹt trong tuyệt vọng đã quyết định nhảy xuống từ cửa sổ và thiệt mạng.
Hai tòa tháp sụp đổ cũng đã khiến 403 nhân viên cứu hộ và cảnh sát thiệt mạng.
|
|
Mô hình tháp Tự do. Nguồn: Amazon. |
Trở lại giải pháp thoát hiểm ở tháp Tự do, New York, tòa nhà đã được xây dựng với một loạt các biện pháp an toàn mới với sự tham vấn từ Sở Cứu hỏa New York.
Viện Tiêu chuẩn và Kĩ thuật Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) cho rằng, thiết kế của Tòa tháp đôi ban đầu đã không đủ vững chắc để chịu được tác động của một máy bay thương mại và hỏa hoạn sau đó.
Kiến trúc sư David Childs thuộc công ty Skidmore, Owings and Merrill (SOM) ở Chicago, Mỹ, cho biết, loại bê tông mà họ đã sử dụng trong tháp Tự do đủ cứng để có thể chống lại hỏa hoạn hay một vụ đâm máy bay.
Đặc điểm chính của tháp Tự do là khối lõi trung tâm, nơi chứa hệ thống cầu thang, thang máy, đường ống nước và cáp thông tin liên lạc, được gia cố đặc biệt để đảm bảo vững chắc.
Các kiến trúc sư khẳng định, trong trường hợp xảy ra thảm họa giống như vụ 11/9, khối cấu trúc lõi này của tòa nhà sẽ không hề hấn, cho phép mọi người ở các tầng trên sơ tán an toàn.