leftcenterrightdel
Đông Nam Á số người mắc COVID-19 vẫn tăng 

Nước Mỹ tính đến nay đã có 764.303 người nhiễm COVID-19 và 40.548 người tử vong do căn bệnh này. Trong khi, số người được chữa khỏi chỉ 71.003 người. Tính đến chiều 19/4 theo giờ địa phương, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ xấp xỉ 40.500 người, tăng gần 1.500 ca so với 24h trước đó. Cùng ngày, Mỹ ghi nhận thêm hơn 24.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại đây lên xấp xỉ 763.000 ca.

Tổng thống Donald Trump tuần trước cho rằng Mỹ đã qua đỉnh dịch về số ca nhiễm mới và ông muốn mở cửa kinh tế trở lại. Trong một văn bản hướng dẫn công bố hồi tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump khuyến nghị, nếu các bang có số người mắc mới Covid-19 giảm liên tục trong 14 ngày có thể bắt đầu dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế để mở cửa kinh tế.

Theo các chuyên gia, một trong những điều kiện tiên quyết làm cơ sở để mở cửa kinh tế trở lại là khi Mỹ đáp ứng được năng lực xét nghiệm nhất định. Các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard cho rằng, nếu Mỹ muốn mở cửa kinh tế trở lại, nước này cần thực hiện được ít nhất 500.000 người/ngày, trong khi hiện tại Mỹ mới đáp ứng được khoảng 150.000 xét nghiệm/ngày.

Tây Ban Nha hiện nay đã ghi nhận 198.674 ca nhiễm COVID-19 và 20.453 ca tử vong. Nước này vẫn kéo dài lệnh phong tỏa cho đến hết ngày 9/5. Một số chính sách nới lỏng đã được đưa ra cho trẻ em và những người nội trợ.

Nước Ý có 178.972 người nhiễm bệnh COVID-19 và 23.660 người tử vong. Tuy nhiên, số người được điều trị khỏi chỉ là 47.055 người. Các doanh nghiệp đang hối thúc nước Ý mở cửa trở lại đầu tháng 5 để phát triển kinh tế đất nước.

Nước Pháp có số người nhiễm là 152.894 với 19.718 người tử vong. Dự kiến nước Pháp sẽ dỡ bỏ biện pháp phong tỏa vào ngày 11/5. Tuy nhiên, số ca bệnh và số người tử vong vẫn còn cao.

Nước Đức đến nay có thêm 1.460 ca nhiễm và 48 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên 145.184 người và 4.586 tử vong. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nói số ca nhiễm mới ở Đức "đã giảm đáng kể" và ổ dịch đang "được kiểm soát".

Thủ tướng Angela Merkel hôm 15/4 tuyên bố Đức đã thành công bước đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 và sẽ dần nới lỏng phong tỏa. Tuy nhiên, bà cảnh báo "tình hình chưa chắc chắn, vẫn cần cẩn trọng và không nên quá hồ hởi".   

Đức có kế hoạch sản xuất 50 triệu khẩu trang mỗi tuần từ tháng 8 để đảm bảo kiểm soát dịch khi nới lỏng các hạn chế. Bộ trưởng Spahn cho biết một ứng dụng trên điện thoại giúp truy vết tiếp xúc nCoV dành cho người Đức sẽ được ra mắt trong 3-4 tuần nữa.

Tại Đông Nam Á, Singapore là nước có số người nhiễm cao nhất với 6.588 người và 11 người tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới ở Singapore là lao động nước ngoài cư trú trong ký túc xá. Ca nhiễm mới tại ký túc xá dành cho công nhân nước ngoài tăng một phần do các nỗ lực xét nghiệm liên tục và cách ly công nhân bị nhiễm của Singapore.

Indonesia có số ca nhiễm đứng thứ hai với 6.575 ca nhiễm và 582 người tử vong. Trong khi chỉ có 686 người được chữa khỏi. Hiện, các bệnh viện không có đủ thiết bị bảo hộ cơ bản khiến nhiều bác sĩ phải chiến đấu với nCoV chỉ bằng áo mưa. 

Philippines đứng thứ 3 Đông Nam Á với 6.259 người nhiễm và 409 người tử vong. Chính quyền Philippines bị chỉ trích vì chậm triển khai xét nghiệm, nhưng từ đầu tháng 4, họ đã khắc phục bằng cách tăng cường kit xét nghiệm và công suất phòng thí nghiệm.

Việt Nam vẫn đứng thứ 6 Đông Nam Á với 268 người nhiễm, chưa có người tử vong và số người được điều trị khỏi lên đến 203 người.

Hoài Thu