Chính quyền Ukraine cho biết hôm thứ Sáu, 17/4, mức độ phóng xạ ở Kiev vẫn bình thường, nhưng họ khuyên người dân nên ở trong nhà và đóng cửa sổ.

Khoảng 1.000 lính cứu hỏa được hỗ trợ bởi máy bay đã được triển khai để chiến đấu với đám cháy rừng gần khu vực xảy ra vụ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, diễn ra 34 năm trước.

leftcenterrightdel
 Cháy rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Ảnh: AP/Sputnik.

Cháy rừng bùng phát trong các khu rừng xung quanh Chernobyl từ ngày 4/4, vô tình gây ra bởi những cư dân đang đốt rác.

Các đội cứu hỏa đã cố gắng để ngăn chặn những đám cháy ban đầu, nhưng nhiều đám cháy mới đã bùng phát vào thứ Năm, 16/4, do gió mạnh.

leftcenterrightdel
 Nhiều đám cháy đang xảy ra tại khu vực bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân năm 1986. Ảnh: AP/Sputnik.

Dữ liệu chất lượng không khí ngày thứ Sáu, 17/4 cho thấy, mức độ ô nhiễm tại thủ đô Ukraine chỉ đứng sau một số thành phố lớn ở Trung Quốc.

Các nhà chức trách ở Kiev cho biết, mức độ bức xạ ở thủ đô, ở khoảng cách 100 km (60 dặm) về phía nam của nhà máy, đều nằm trong mức độ cho phép.

leftcenterrightdel
Khói bụi từ các đám cháy đã bao phủ thủ đô Kiev. Ảnh: AP/Sputnik. 

Họ cũng trấn an, các vụ cháy rừng không gây ra mối đe dọa nào đối với các bãi thải chất thải phóng xạ và các cơ sở khác ở Chernobyl, nhưng khuyên người dân Kiev uống nhiều nước và che cửa sổ bằng vải ướt nếu họ mở cửa.

Các vụ hỏa hoạn nằm trong khu vực cấm của Chernobyl rộng 2.600 km2 (1.000 dặm vuông) được thành lập sau thảm họa hạt nhân năm 1986 vốn tạo ra một đám mây bụi phóng xạ trên phần lớn châu Âu.

Khu vực này hầu như bỏ hoang sau khi dân cư được sơ tán, mặc dù vẫn còn khoảng 200 người bất chấp lệnh phải di dời. Các đám cháy trong khu vực gây lo ngại rằng chúng có thể lan truyền chất phóng xạ.

Huy Anh