Hôm 12/11, Bloomberg đưa tin, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng ý tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine lên 8,6 tỉ USD vào năm tới.

Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Đức, nơi liên minh của Thủ tướng Scholz chiếm đa số, dự kiến sẽ phê duyệt khoản tài trợ quân sự bổ sung 4 tỉ euro (4,3 tỉ USD) cho Ukraine tại cuộc họp vào tuần này, điều sẽ làm tăng chi tiêu quốc phòng của Đức lên 2,1% GDP vào năm 2024, vượt quá mức 2% mà các thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cam kết trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine kéo dài.

Trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu, Josep Borrell, nói, viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể bị cắt và các nước EU nên sẵn sàng về mặt chính trị để giải quyết sự thiếu hụt này.

leftcenterrightdel
Hệ thống tên lửa đất đối không Iris-T nằm trong danh mục khí tài Đức cung cấp cho Ukraine. Nguồn: mil.in.ua

Đức là nước ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine ở châu Âu và đứng thứ hai trên toàn cầu chỉ sau Mỹ.

Theo dữ liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức đã chuyển hơn 17 tỉ euro (18,2 tỉ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các trang bị xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh bọc thép Marder, hệ thống chống tên lửa Iris-T và Patriot, súng phòng không Gepard,...

Vào ngày 10/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 1,1 tỉ USD cho Ukraine.

Thủ tướng Scholz đã công bố quỹ trị giá 100 tỉ euro (107 tỉ USD), chỉ 3 ngày sau khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022 và 2/3 số này dự kiến sẽ được phân bổ vào cuối năm nay. Điều được nói sẽ đưa ngân sách quốc phòng của Đức lên mức 2% GDP lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ.

leftcenterrightdel
 Quân nhân Ukraine vận hành pháo phòng không tự hành SPAAG Flakpanzer Gepard do Đức sản xuất. Ảnh: AFP /Sergei Supinsky.

Các kế hoạch mua sắm của Đức bao gồm việc trang bị máy bay chiến đấu F-35 để thay thế máy bay phản lực Tornado đã cũ, hệ thống phòng không Arrow của Israel và máy bay trực thăng hạng nặng Chinook của Boeing, Mỹ.

Trước đó hôm 8/11, trong một tuyên bố chung sau cuộc thảo luận tại Tokyo, Nhật Bản, các Ngoại trưởng Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cùng với Liên minh châu Âu (EU) cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột có khả năng kéo dài với Nga.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa vào cuối ngày 7/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh sự hỗ trợ lâu dài của nhóm đối với Ukraine, vốn là một nội dung quan trọng trong nghị trình hội nghị của G7.

Văn Phong/Bloomberg, Sputnik