Mất kiểm soát động cơ vào phút cuối!
Cuối ngày 21/8, hãng thông tấn Sputnik dẫn thông tin từ Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos), Yury Borisov, cho biết, nguyên nhân khiến tàu vũ trụ Luna-25 đâm vào Mặt trăng.
Tin nói, khi cố gắng đi vào quỹ đạo trước khi hạ cánh, động cơ Luna-25 hoạt động trong 127 giây thay vì 84 giây như thiết kế và thiết bị đã đâm vào Mặt trăng.
|
|
Tàu đổ bộ Luna-25 của Nga. Nguồn: Roscosmos. |
“Thật không may, việc tắt động cơ không diễn ra bình thường theo lịch trình quay, mà theo thời gian giới hạn và thay vì 84 giây theo kế hoạch, nó hoạt động trong 127 giây. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố của thiết bị.”, ông Borisov nói.
Theo Giám đốc Roscosmos, toàn bộ cuộc thử nghiệm được thực hiện trong khu vực liên lạc vô tuyến ổn định và các chuyên gia biết mọi thứ về vị trí của con tàu.
|
|
Luna-25 bị phá hủy sau khi đâm vào Mặt trăng trong quá trình hạ cánh. Nguồn: Roscosmos. |
“Tuy nhiên, vào lúc 14h57’, liên lạc với tàu vũ trụ đã dừng lại. Nỗ lực khôi phục liên lạc không thành công. Các tính toán sơ bộ cho thấy do hoạt động bất thường của hệ thống đẩy hiệu chỉnh, tàu vũ trụ đã di chuyển vào quỹ đạo mở của Mặt trăng và trên thực tế, đã đâm vào bề mặt của Mặt trăng.”, ông Borisov nói thêm.
Trước đó hôm 20/8, dịch vụ báo chí của Roscosmos cho biết, tàu vũ trụ Luna-25 (được phóng hôm 11/8 trong sứ mệnh tìm kiếm nước đóng băng ở cực Nam Mặt trăng), đã chuyển sang quỹ đạo ngoài thiết kế ở giai đoạn cuối trong quá trình đáp xuống và va chạm với bề mặt Mặt Trăng, không còn tồn tại.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ sẵn sàng đổ bộ
Luna-25 của Nga được phóng vào sáng ngày 11/8. Trước đó, vào ngày 14/7, tàu đổ bộ Chandrayaan-3 của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã khởi hành tới Mặt trăng, mang theo những thiết bị khoa học cũng như một phương tiện tự hành 6 bánh.
Cả hai sứ mệnh của Nga và Ấn Độ đều đặt mục tiêu thực hiện cuộc hạ cánh lịch sử lần đầu tiên xuống Cực Nam gồ ghề của Mặt trăng, nơi được cho có nước đóng băng.
|
|
Những hình ảnh về khu vực phía xa (mặt sau) của Mặt trăng do Chandrayaan-3 chụp để định vị vị trí hạ cánh tàu đổ bộ. Nguồn: ISRO. |
Với kế hoạch đổ bộ gần như cùng thời điểm, có thể nói đã có một cuộc canh tranh giữa Luna-25 và Chandrayaan-3 trong sứ mệnh trở lại Mặt trăng của con người.
Chandrayaan-3, sứ mệnh thứ ba của Ấn Độ lên Mặt trăng trị giá khoảng 172 nghìn tỉ đồng Việt Nam, dự kiến hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng vào ngày 23/8.
Trước cuộc hạ cánh của Chandrayaan-3, Giám đốc ISRO, Ahmedabad Nilesh M Desai, cho biết, vào ngày 23/8, nếu các yếu tố không thuận lợi thì cuộc đổ bộ của Chandrayaan-3 sẽ được hoãn lại đến ngày 27/8.
|
|
Tàu đổ bộ của Ấn Độ dự kiến sẽ hạ cánh mềm xuống Mặt trăng vào ngày 23/8. Nguồn: ISRO. |
“Vào ngày 23/8, hai giờ trước khi Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh trên Mặt trăng, căn cứ tình trạng của mô đun tàu đổ bộ và các điều kiện hiện trường, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về việc có nên hạ cánh vào thời điểm đó hay không. Trong trường hợp có bất kỳ yếu tố không thuận lợi nào, chúng tôi sẽ hoãn việc hạ cánh đến ngày 27/8.”, ông Desai nói.
Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 bao gồm một mô đun đẩy nặng 2.148 kg và một tàu đổ bộ 1.723,89 kg mang theo xe tự hành 26 kg.
|
|
Tàu đổ bộ của Ấn Độ mang theo một xe tự hành 6 bánh, dự kiến sẽ thực hiện cú hạ cánh lịch sử xuống Cực Nam Mặt trăng, nơi được cho có nước đóng băng. Nguồn: ISRO. |
“Các hệ thống của mô đun động cơ đẩy đang được kiểm tra và sẽ chờ mặt trời mọc tại địa điểm hạ cánh được chỉ định. Quá trình hạ cánh dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng 17h45’ ngày 23/8 giờ chuẩn Ấn Độ IST. Tàu đổ bộ dự kiến sẽ đáp xuống gần Cực Nam của Mặt trăng gần 20 phút sau đó, lúc khoảng 18h04’, từ độ cao khoảng 100 km.”, ISRO cho biết.
Sau khi hạ cánh, xe tự hành 6 bánh sẽ thực hiện các thí nghiệm trên bề mặt Mặt Trăng trong khoảng thời gian một ngày Mặt Trăng, tương đương 14 ngày Trái đất.