leftcenterrightdel
Nhân viên Công ty sinh dược phẩm Đức thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 tại Tuebingen (Đức) ngày 12/3/2020. Ảnh: REUTERS/TTXVN 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu trên báo Braunschweig, nhà virus học Luka Cicin-Sain  thuộc Trung tâm Nghiên cứu nhiễm trùng Braunschweig Helmholtz (HZI) cho biết việc phát hiện kháng thể ngăn chặn virus xâm nhập tế bào là bước đột phá hướng tới bào chế thành công thuốc chống virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học từ nhiều đơn vị nghiên cứu đã tiến hành phân tích khoảng 6.000 kháng thể nhân tạo khác nhau và đã tìm được hơn 750 kháng thể liên kết với virus gây COVID-19, điều kiện tiên quyết để chống mầm bệnh thành công. Hiện khoảng 30 kháng thể đã được thử nghiệm về tính hiệu quả trong nuôi cấy tế bào tiếp xúc với virus ở phòng thí nghiệm có độ an toàn cao của HZI.

Theo chuyên gia Stefan Dzigel thuộc Đại học Kỹ thuật Braunschweig, trái với tiêm chủng vaccine, trong đó bệnh nhân được tiêm một phần mầm bệnh để tự hình thành kháng thể và từ đó tăng cường khả năng miễn dịch, mục tiêu của nhóm nghiên cứu ở Braunschweig là hướng tới bào chế một loại thuốc để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 thể nặng, nguyên tắc được gọi là "miễn dịch thụ động". Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ chọn lọc tìm ra những kháng thể tốt nhất cho tới giữa tháng 6 tới và sau đó sẽ trải qua các bước thử nghiệm để tiến tới những bệnh nhân đầu tiên có thể được điều trị bằng liệu pháp kháng thể vào mùa Thu tới.

Trước đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho rằng có thể phải mất nhiều năm để có thể bào chế thành công vaccine phòng virus SARS-CoV-2, trong khi Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cũng cảnh báo không nên "chờ phép màu" nhanh chóng có vaccine, mà sớm nhất phải tới giữa năm 2021.
Theo TTXVN