Desmond Tutu, Tổng Giám mục danh dự Cape Town, Nam Phi, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và là biểu tượng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi, đã qua đời hôm 26/12 ở tuổi 90, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết.

Nhà lãnh đạo Nam Phi bày tỏ niềm tiếc thương về sự ra đi của ông Tutu, một trong những người đã cống hiến trọn đời và không mệt mỏi, để lại di sản một Nam Phi giải phóng.

leftcenterrightdel
Tổng Giám mục Cape Town, Nam Phi, Desmond Tutu. Ảnh: John Stillwell, Pool / AP.

Ông Tutu đã hoạt động tích cực trong việc bảo vệ nhân quyền, dùng uy tín cá nhân của mình để vận động đấu tranh cho những người bị áp bức. Ông cũng tích cực vận động để chống lại bệnh AIDS, bệnh lao,... Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1984, giải Albert Schweitzer cho chủ nghĩa nhân đạo năm 1986, giải thưởng Hòa bình Pacem in Terris (Mỹ) năm 1987, giải Hòa bình Sydney năm 1999, giải Hòa bình Gandhi năm 2005 và Huân chương Tự do Tổng thống năm 2009 (Mỹ) cho những đóng góp đặc biệt vì một thế giới hòa bình.

leftcenterrightdel
Ít ai có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Nam Phi như Desmond Tutu. Ảnh: DPA. 

Ông Tutu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt vào cuối những năm 1990 và đã phải nhập viện nhiều lần trong những năm gần đây trong quá trình điều trị.

leftcenterrightdel
Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu trong lễ sinh nhật được tổ chức ngày 7/10/2017. Ảnh: Reuters / Mike Hutchings. 

Tổng Giám mục Tutu thường được ca ngợi là biểu tượng của lương tâm, đạo đức của Nam Phi và là người hòa giải vĩ đại của một quốc gia bị chia rẽ bởi một chế độ chính trị phân biệt chủng tộc trong suốt nhiều thập kỉ.

leftcenterrightdel
Tổng Giám mục Desmond Tutu và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela tại Johannesburg năm 2008. Ảnh: AP. 

Năm 1984, ông đoạt giải Nobel Hòa bình vì phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc một cách bất bạo động.

Tutu là bạn lâu năm của Nelson Mandela, Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi từ năm 1994 đến năm 1999. Họ có thời gian cùng sống trên con phố Vilakazi ở thị trấn Soweto, Nam Phi, nơi duy nhất trên thế giới có hai người đoạt giải Nobel Hòa bình.

Văn Phong (theo Anja)