Sputnik dẫn thông tin từ một chuyên gia Ai Cập cho biết, nước này cảm thấy bị "phản bội"vào năm 2013, khi Mỹ quyết định “đóng băng” việc cung cấp trực thăng Apache cho Cairo, trong bối cảnh nước này đang tập trung cho cuộc chiến chống khủng bố.
Kể từ đó, Ai Cập quyết định đa dạng hóa các nguồn cung thiết bị quân sự, bao gồm cả Nga, bất chấp sự phản đối của Mỹ.
Nga đã thông báo bắt đầu sản xuất 24 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 cho Không quân Ai Cập, theo thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD được ký kết giữa hai nước vào năm 2018.
Việc giao lô hàng đầu tiên đã được lên kế hoạch vào đầu năm nay nhưng quá trình này đã bị trì hoãn do sự bùng phát của coronavirus dẫn đến việc đóng cửa một số nhà máy sản xuất quốc phòng ở Nga.
Sau khi việc sản xuất được nối lại, Moscow dự kiến sẽ giao các máy bay đầu tiên sớm nhất là vào quý ba hoặc bốn năm 2020.
|
|
Tiên kích Su-35 của Nga. Ảnh: Sputnik. |
Washington được cho là rất quan tâm tới thỏa thuận.
Ít tốn kém hơn, có khả năng mang nhiều tên lửa và bay xa hơn một số máy bay chiến đấu của Mỹ, Su-35 được thiết lập để thách thức sự vượt trội của Mỹ trên bầu trời.
Trước đó, có thông tin nói, chính quyền Mỹ đã cảnh báo Cairo về các biện pháp trừng phạt một khi nước này tiến thêm một bước với việc mua máy bay chiến đấu đa năng siêu âm thế hệ 4 ++ của Nga.
Maged Botros, giáo sư khoa học chính trị và chủ tịch của Đại học Helwan, Ai Cập, cho rằng, không có gì phải lo lắng. "Hoa Kỳ đang lừa gạt. Họ cũng đe dọa các quốc gia khác, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã được cảnh báo không mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, nhưng đã không có gì xảy ra. Ai Cập là một quốc gia có chủ quyền và không ai, kể cả Washington, có thể ra lệnh cho chúng tôi về những gì làm".
Ai Cập nhận được sự trợ giúp lớn về quan sự của Hoa Kỳ.
Ước tính, từ năm 1978 đến nay, Mỹ đã rót hơn 50 tỉ USD vào quân đội Ai Cập, tạo ra sự phụ thuộc vào các khoản hỗ trợ hào phóng.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền vào năm 2014, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi bứt đầu thoát ly khỏi sự phụ thuộc của Ai Cập vào Washington.
Vào năm 2014, Cairo đã đặt hàng 2 tàu ngầm từ Đức và một năm sau đó, đã mua máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp. Các thỏa thuận trị giá hàng tỉ đô la cũng đã được ký kết với các nhà cung cấp khác, bao gồm cả Trung Quốc và Nga.