Mối nguy từ UAV
Sau vụ ám sát hụt ông Maduro, một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi ngành sản xuất UAV và các quan chức thực thi pháp luật dường như chưa có điểm chung về việc mở rộng sản xuất UAV và bảo vệ an toàn công cộng.
|
|
Chuyên gia lo ngại UAV sẽ được sử dụng làm vũ khí nhiều hơn. Ảnh: Getty |
Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đang dự báo ngành sản xuất UAV sẽ tăng trưởng gấp 4 lần trong 5 năm tới. Hiện nay số UAV thương mại đang bay trên bầu trời Mỹ là hơn 110.000 chiếc.
Ngành sản xuất UAV toàn cầu đã bùng nổ trong những năm gần đây. Tổng số UAV được bán ra với mục đích thương mại và tiêu dùng chỉ riêng ở Mỹ đã tăng từ chưa đầy 500.000 UAV năm 2014 lên hơn 3 triệu năm 2017.
Tuy nhiên, các quan chức thực thi pháp luật Mỹ không muốn UAV được hoạt động phổ biến như hiện nay, ít nhất cho tới khi phát triển được các hệ thống phòng vệ đáng tin cậy.
Theo tờ Washington Post, vụ tấn công ngày 4/8 bằng thiết bị bay không người lái ở Caracas là lời nhắc nhở cho ngành sản xuất UAV và giới chức chính phủ Mỹ về mối đe dọa an ninh tiềm tàng mà các thiết bị này gây ra.
Giới chức Venezuela cho biết hai chiếc UAV hiệu DJI M600 mỗi chiếc mang theo gần 1kg thuốc nổ dẻo đã được sử dụng trong vụ ám sát hụt ông Maduro khi ông đang phát biểu tại một buổi lễ ngoài trời. Ông Maduro an toàn nhưng 7 binh sĩ bị thương.
|
|
Vệ sĩ che chắn cho Tổng thống Venezuela khi ông bị UAV tấn công. Ảnh: Xinhua |
UAV này có thể mang 1kg chất nổ để gây ra vụ nổ trong bán kính 50 mét. DJI M600 là UAV chuyên nghiệp được các nhà quay phim, chụp ảnh sử dụng vì nó khỏe và có thể mang theo thiết bị nặng.
|
|
Video vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào buổi lễ (nguồn: BBC) |
Ông Todd Humphreys, phó giáo sư Đại học Texas ở Austin, cho rằng rõ ràng là khi UAV ngày càng phát triển tinh vi và khó ngăn chặn thì việc bảo vệ nguyên thủ quốc gia ở nơi công cộng trước một UAV chở đầy chất nổ trở nên khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt là khi mà bất kỳ ai có đủ tiền và có khả năng công nghệ của một đứa trẻ 12 tuổi là có thể thực hiện những vụ kiểu như ở Venezuela.
Theo ông Pete Cooper, cựu chuyên gia mạng của chính phủ Anh, sự cố ở Venezuela là lần đầu tiên có người vũ khí hóa UAV để sử dụng ngoài vùng chiến sự. Ông Cooper cho rằng sự cố có thể khuyến khích những tổ chức cực đoan khác xem xét sử dụng UAV làm vũ khí. Trước đây, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã liên tục sử dụng UAV bốn động cơ để thả mìn nhiều năm nay.
Giới chức quốc phòng Mỹ trong một cuộc điều trần chung trước quốc hội ngày 6/6 đã đưa ra một cảnh báo: Đây là một mối đe dọa lớn và rất nghiêm trọng mà chúng ta hiện chưa sẵn sàng đối phó. Chúng ta không thể đối phó hiệu quả với những UAV được sử dụng cho mục đích xấu. Đó có thể là buôn lậu ma túy, giám sát trái phép, phát tát phần mềm độc hại...
Cần hệ thống nhận dạng UAV
Còn ông Brendan Schulman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách và vấn đề pháp lý của công ty công nghệ SZ DJI Technology ở Trung Quốc, nhà sản xuất UAV tiêu dùng lớn nhất thế giới, cho rằng vụ tấn công ở Venezuela là một lời cảnh báo rõ ràng tới ngành sản xuất UAV về sự cần thiết phải có các biện pháp an toàn.
Theo các chuyên gia, hệ thống pháp lý sẽ hỗ trợ ngăn chặn sử dụng UAV làm vũ khí nhưng cần thiết kế nhiều hệ thống chủ động hơn nữa để vô hiệu hóa UAV nhằm bảo vệ các cá nhân, tổ chức trước một vụ tấn công từ trên trời. Ông Schulman thì cho rằng cần vụ việc sẽ không cản trở tiến bộ của UAV thương mại, nhưng cần nhấn mạnh rằng cơ quan chức năng cần có giải pháp nhận dạng từ xa để theo dõi UAV trên không và biết được ai là chủ sở hữu.
|
|
Nhiều UAV được sử dụng cho mục đích thương mại. Ảnh: Getty |
Công nghệ nhận dạng từ xa là một trong nhiều biện pháp an toàn đang được cân nhắc sử dụng cho UAV. Tuy nhiên, ngành sản xuất UAV và chính phủ Mỹ chưa đồng thuận về biện pháp tốt nhất để xác định và đối phó với các UAV thù địch hoặc bị nghi ngờ.
Hệ thống phòng vệ và nhận dạng vẫn trong quá trình phát triển và là một khó khăn về mặt công nghệ. Cuộc tranh cãi về vấn đề này là vật cản chính khiến ngành sản xuất UAV thương mại chưa thể mở rộng toàn quốc ở Mỹ.
Sự việc xảy ra ở Venezuela càng khiến giới chức Mỹ nhận ra sự cấp thiết phải phát triển các biện pháp an toàn hiệu quả, vừa để ngành sản xuất UAV được phát triển và vừa để bảo vệ người dân khỏi mối đe dọa tiềm tàng.
Quy định đề xuất về hệ thống nhận dạng từ xa ban đầu sẽ dự kiến được đưa ra vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, cuối tháng 7, các quan chức FAA cho biết hệ thống này sẽ bị trì hoãn tới tận mùa xuân năm 2019. Hoàn thành hệ thống sẽ mất ít nhất vài tháng nữa.
Cho đến khi hệ thống được giới thiệu, cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục quanh việc liệu UAV có được hoạt động ngoài độ cao 400 foot (hơn 120m) như hiện nay hay không.
Cùng lúc đó, các nhà sản xuất UAV đang tích hợp các khu vực cấm bay kỹ thuật số (hàng rào địa lý) trong hệ thống định vị của UAV. Điều đó có nghĩa là người sử dụng UAV không thể đưa thiết bị này vào các khu vực bị cấm.
Ông Tim Bean, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty Fortem Technologies ở Salt Lake City đã chào hàng chính phủ và doanh nghiệp một số công nghệ phát hiện và đối phó với UAV.
Chính quyền Mỹ đã đề nghị quốc hội từ nhiều tháng qua để cho phép bắn hạ hoặc vô hiệu hóa UAV tiềm tàng nguy hiểm – tức là các UAV có thể được khủng bố sử dụng làm vũ khí.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Kirsijen Nielsen ngày 5/8 nói trên Twitter: “Mối nguy hiểm từ UAV bị vũ khí hóa là có thật. Đã đến lúc quốc hội cho bộ quyền đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng này”.
Các cơ quan liên bang Mỹ đã đồng loạt tuyên bố nhiều không phận cấm UAV, gồm có khu vực xung quanh và phía trên cơ sở quân sự, nhà máy điện, cơ sở vũ khí hạt nhân và một số tòa nhà chính phủ.
Ở Washington, một nhóm thượng nghị sĩ hai đảng đã trình một dự luật hồi tháng 5 để trao quyền cho Bộ An ninh Nội địa và Bộ Tư pháp bảo vệ các tòa nhà và tàn sản khác khi thấy UAV gây ra mối nguy an ninh cho an toàn công cộng. Dự luật bị Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ phản đối vì cho rằng chính phủ sẽ có quyền vô hiệu hóa và phá hủy cả UAV ở khu vực dân sự.
Thùy Dương/Báo Tin tức