Vụ phóng phi thuyền mới nhất lên không gian được gọi là sứ mệnh thứ 23 (NS23), lúc 8h30’, ngày 12/9, giờ địa phương (20h30’, giờ Việt Nam), của Công ty vũ trụ Blue Origin của tỉ phú người Mỹ Jeff Bezos, ông chủ Amazon, tại bãi phóng Launch Site One, ngoại ô Van Horn, Texas đã thất bại do sự cố tên lửa.

leftcenterrightdel
 Phi thuyền New Shepard (NS23) lắp đặt tại bãi phóng. Nguồn: Blue Origin.

Sau khi cất cánh hơn 1 phút, tên lửa đẩy New Shepard bất ngờ bùng cháy. Hệ thống hủy phóng khẩn cấp của cabin hành khách lập tức khởi động, tách khoang này khỏi đỉnh tên lửa. Vài phút sau, cabin hành khách rơi trở lại mặt đất bằng hệ thống dù.

Video được Blue Origin công bố cho thấy, sau khi cất cánh hơn 1 phút, một quầng lửa màu vàng bùng lên từ một động cơ ở phía dưới và lập tức bao trùm phi thuyền. 

leftcenterrightdel
 Tên lửa đẩy trước thời điểm xảy ra sự cố. Nguồn: Blue Origin.

Không có ai trên khoang hành khách của phi thuyền trong chuyến bay mới nhất của Blue Origin, chuyến bay này sử dụng cùng loại tên lửa đẩy đã đưa khách hàng trả tiền đến rìa không gian vào nửa cuối năm 2021. 

Trong thông báo vào cuối ngày 12/9, Blue Origin cho biết, công ty đang ứng phó sự cố vào buổi sáng; lưu ý, đây là một vụ phóng để thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong không gian, bao gồm kiểm tra tác động của trọng lực đối với sóng siêu âm, mà không có phi hành gia nào trong khoang, cũng không có thương tích nào trên mặt đất được ghi nhận.

leftcenterrightdel
 Lửa bùng lên sau hơn 1 phút cất cánh và lập tức bao trùm phi thuyền. Nguồn: Blue Origin / AP.

Blue Origin tuyên bố, hệ thống tách khoang hành khách trong tình huống khẩn cấp đã thực hiện thành công và hoạt động đúng theo thiết kế.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) xác nhận, tên lửa đã rơi xuống đất mà không có thương tích hoặc thiệt hại nào được báo cáo.

leftcenterrightdel
 Diễn biến sự cố tên lửa trong vụ phóng. Nguồn: Blue Origin.

Cũng theo FAA, các tên lửa cùng loại của Blue Origin hiện đã tạm thời được niêm phong trong khi chờ kết quả điều tra.

Đây là chuyến bay thứ 23 của chương trình New Shepard, được đặt theo tên của người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ Alan Shepard. 

Chuyến bay du lịch vũ trụ thương mại cho khách hàng trả tiền gần đây nhất của Blue Origin diễn ra vào tháng trước.

leftcenterrightdel
 

Phi thuyền New Shepard của Blue Origin gồm một cabin hành khách 6 chỗ ngồi gắn trên đỉnh tên lửa đẩy tái sử dụng.

Sau khi được phóng lên và vượt qua đường Karman, ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian vũ trụ (rìa không gian), ở độ cao hơn 100 km, cabin hành khách sẽ tách khỏi tên lửa.

leftcenterrightdel
 Thông tin về sự cố. Nguồn: Blue Origin/AP.

Sau quá trình trải nghiệm tình trạng không trọng lực trong vài phút, cabin hành khách và tên lửa đẩy sẽ độc lập quay trở lại trái đất, trong đó tên lửa hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ xuống bệ hạ cánh gần bệ phóng, cabin hành khách đáp xuống sa mạc với sự hỗ trợ của hệ thống 3 chiếc dù.

leftcenterrightdel
 Ca bin hành khách tiếp đất thành công trong một chuyến bay du lịch vũ trụ thương mại vào năm ngoái. Ảnh: Jose Romero / AFP/ Getty. 

Bản thân tỉ phú Bezos đã tham gia phi hành đoàn New Shepard trong chuyến bay có phi hành gia đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái. Tổng cộng, Blue Origin đã chở 31 người lên rìa vũ trụ, trên chuyến bay kéo dài 10 phút, bao gồm cả nam diễn viên William Shatner.

Văn Phong/AP, Blue Origin