Ngày 23/1, thông cáo báo chí của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) cho biết, tảng băng được đặt tên Chasm-1 dày 150 m, rộng 1.550 km2, kích thước tương đương vùng London, đã tách ra khỏi  thềm băng Brunt ở Nam Cực.

leftcenterrightdel
 Tảng băng Chasm-1 rộng 1.550 km2 tách hoàn toàn khỏi  thềm băng Brunt ở Nam Cực ngày 22/1. Nguồn: BAS.

Hiện tượng xảy ra vào lúc 19-20h, ngày 22/1, thời điểm triều cường, là sự kiện vỡ băng thứ 2 tại khu vực trong hai năm qua.

Các nhà khoa học của BAS lần đầu tiên phát hiện vết nứt lớn của Chasm-1 một thập kỷ trước và vết nứt phát triển kéo dài trên toàn bộ thềm băng trong vài năm qua, thông cáo nói, lưu ý, sự kiện là một quá trình tự nhiên.

leftcenterrightdel
 Đồ họa thể hiện tình trạng thềm băng Brunt và vị trí của Trạm nghiên cứu Halley VI  ngày 31/10/2017. Nguồn: BAS.

Thềm băng Brunt là nơi đặt Trạm nghiên cứu Halley VI của BAS và sự kiện không ảnh hưởng tới Trạm này, nơi hiện chỉ hiện diện tối thiểu 21 nhà nghiên cứu để duy trì các nguồn cung cấp năng lượng và cơ sở vật chất để các thí nghiệm khoa học hoạt động từ xa trong suốt mùa Đông, trong điều kiện trời tối trong 24 giờ và nhiệt độ xuống dưới âm 50 độ C.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh cho thấy tảng băng Chasm-1 tách khỏi  thềm băng Brunt ở Nam Cực ngày 22/1. Nguồn: BAS.

Theo BAS, thềm băng nổi Brunt trôi với tốc độ lên tới 2 km mỗi năm về phía tây và quá trình di chuyển nó làm vỡ các tảng băng.

Vào năm 2016, đề phòng khả năng tảng băng tách ra đột ngột sau khi vết nứt bắt đầu mở rộng, BAS đã di dời Trạm Halley vào sâu hơn trong đất liền, cách vết nứt của Chasm-1 23 km.  

leftcenterrightdel
 Trạm nghiên cứu Halley VI của Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh BAS trên thềm băng Brunt. Nguồn: BAS.

Giáo sư Dame Jane Francis, Giám đốc BAS cho biết, sự kiện không bất ngờ và đã được dự đoán trước bởi BAS liên tục quan sát sự biến dạng và chuyển động của thềm băng nhiều lần trong ngày, thông qua hệ thống quan trắc tự động được tích hợp dữ liệu với vệ tinh từ ESA, NASA và vệ tinh TerraSAR-X của Đức.

Văn Phong/BAS