Số lượng thứ nhì thế giới

Xe tăng T-34 tham gia phục vụ Lực lượng Hồng quân Liên Xô lần đầu tiên vào ngày 19/12/1939. Trong giai đoạn diễn ra của Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của quân dân Nga, Nhà máy xe tăng Ural số 183 (nay là Uralvagonzavod) đã lắp ráp cả thảy 25.914 chiếc.

Với yêu cầu của chiến trường, T-34 là khí tài được sản xuất với tốc độ đáng nể. Giai đoạn từ tháng 5/1942, cứ sau 30 phút lại có một chiếc xe tăng T-34 được sản xuất.

T-34 trở thành loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong Thế chiến II và là xe tăng sản xuất nhiều thứ nhì trên thế giới, chỉ sau dòng T-54/55.

leftcenterrightdel
T-34 được cho có thiết kế hiệu quả trong điều kiện chiến tranh. Nguồn: Stalinline.

Năm 1942, phiên bản súng phun lửa của xe tăng OT-34-76 đã được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt.

Vào tháng 01/1944, xe tăng T-34-85 đã được đưa vào biên chế các lực lượng vũ trang. Theo nhà sản xuất, chiếc xe tăng T-34-85 cuối cùng rời khỏi băng tải nhà máy vào tháng 2/1946.

Hiệu quả và sự nổi tiếng khiến sau hơn 70 năm kể từ khi ra đời, đến năm 2010, xe tăng T-34 vẫn còn được phục vụ trong ít nhất là 27 quốc gia.

Một số nước với việc nâng cấp, sẽ tiếp tục sử dụng T-34 như một khí tài “ngon-bổ-rẻ”, khiến nó trở thành loại xe tăng có thời gian phục vụ lâu nhất từ trước tới nay.

Nhiều ưu điểm

Trong thế chiến II, T-34 được chứng minh trên chiến trường là một trong những loại xe tăng hiệu quả nhất. T-34 được đánh giá cao có sự phối hợp tốt nhất giữa tính năng bảo vệ, tính cơ động, hỏa lực và độ tin cậy và khả năng bảo trì của xe.

leftcenterrightdel
T-34 trở thành loại xe tăng được sản xuất nhiều nhất trong Thế chiến II và là xe tăng sản xuất nhiều thứ nhì trên thế giới, chỉ sau dòng T-54/55. Nguồn: Stalinline.

Thời kỳ đầu ra đời, T-34 vượt trội hơn hẳn xe tăng Panzer III, Panzer IV của Đức về cả hỏa lực và sức chống chịu của vỏ giáp.

Giá trị nổi bật của T–34 được cho là có thiết kế hiệu quả, có thể được chế tạo với các thiết bị đơn giản và thợ cơ khí bậc trung. Nhờ đó việc sản xuất và sửa chữa T-34 vừa nhanh chóng vừa rất dễ dàng. Điều này đặc biệt thiết thực trong điều kiện dã chiến.

Kể cả khi bị đối phương bắn tung tháp pháo, T-34 vẫn có thể nhanh chóng được khắc phục và hồi sinh chỉ sau vài giờ.

Với trọng lượng nhẹ và động cơ diesel làm mát bằng nước, làm tăng độ tin cậy của động cơ cũng như tăng tầm hoạt động của xe.

Một trong những ưu thế khác của T-34 là tốc độ. T–34 tốc độ tối đa 50 km/h so với tốc độ tối đa trung bình của các xe tăng Đức là 40 km/h.

leftcenterrightdel
Thiết kế giáp của T-34 lợi hại đến mức Đức đã sao chép áp dụng vào xe tăng của mình. Nguồn: Stalinline.

Vỏ thép thiết kế nghiêng giúp T–34 có nhiều cơ hội sống sót trước hỏa lực của đối phương. Nó vừa làm tăng độ dày hiệu quả của tháp pháo, đồng thời làm đạn chống tăng đối phương dễ bị trượt khi va chạm vỏ giáp. Thiết kế này lợi hại đến mức Đức đã sao chép để áp dụng vào các mẫu xe tăng Panther và Tiger II của mình.

Trong quá trình vận hành trên thực tiễn chiến trường, xe tăng T-34 liên tục được cải tiến.

Đầu năm 1944, T-34 được trang bị pháo 85 mm hỏa lực mạnh hơn, cho phép nó có thể chiến đấu ngang cơ với loại Tiger ở cự ly gần. Vỏ thép cũng được gia cố, tháp pháo 3 người thay cho 2 người, khiến nó tăng sức mạnh đang kể.

leftcenterrightdel
T-34-76 model 1943. Nguồn: Dreamstime. 

Mặc dù là xe tăng hạng trung, nhưng với sở hữu pháo ZiS-S-53 cỡ nòng 85 mm, khả năng xuyên phá của T-34-85 vượt xa dòng Panzer IV và pháo tự hành StuG III, chỉ thua kém xe tăng hạng nặng các dòng Tiger và Panther.

Đến cuối Thế chiến II, dòng tăng T-34 linh loạt và giá thành rẻ đã thay thế nhiều loại xe tăng hạng nhẹ và hạng trung của Liên Xô, trở thành loại xe tăng chủ lực của quân đội Liên Xô thời ấy.

Huy Anh