Nghiên cứu các mẫu trầm tích lắng đọng trong khoảng thời gian từ 13-101,5 triệu năm tuổi dưới đáy biển ở Nam Thái Bình Dương, trong một chương trình thám hiểm đại dương, các nhà hoa học đã phát hiện một quần thể vi khuẩn trong tình trạng hầu như không hoạt động vì bị “bỏ đói” trong môi trường khan hiếm thực phẩm.
Những vi sinh vật này sống hơn 18.000 feet (5,5 km) dưới bề mặt đại dương ở trung tâm của Nam Thái Bình Dương, là địa điểm đại dương xa lục địa nhất trên Trái đất, được gọi là cực đại dương không thể tiếp cận và được coi là “sa mạc đại dương”.
Khu vực này, một phần trong hệ thống các dòng hải lưu đặc biệt của Trái đất, không có nhiều thức ăn để nuôi sống hầu hết mọi thứ. Nó tương đối ít chất dinh dưỡng thực vật nhưng chứa lượng oxy dồi dào ở những phần sâu hơn của lớp vỏ.
Sau khi được nuôi dưỡng trong môi trường bằng chất nền carbon và nitơ, vi khuẩn đã mau chóng hồi sinh.
Hầu hết trong số gần 7.000 tế bào cổ đại đã ăn các loại thực phẩm carbon và nitơ trong vòng 68 ngày kể từ khi thí nghiệm ủ và nhanh chóng phân chia số lượng tế bào lên hơn 10.000 lần.
"Các vi khuẩn gần như bị mắc kẹt hoàn toàn trong trầm tích, không thể di chuyển và bị giam ở đó hàng triệu năm. Ngoài ra, chất dinh dưỡng của chúng rất hạn chế, hầu như ở trạng thái 'nhịn ăn'. Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên về mặt sinh học rằng, một phần lớn vi khuẩn có thể được hồi sinh sau một thời gian rất dài bị nhốt trong điều kiện dinh dưỡng cực kỳ thấp."- Yuki Morono, nhà địa chất học và nhà khoa học cao cấp tại Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển- Đất Nhật Bản, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực khám phá, làm thế nào các vi khuẩn có thể sống sót trong tình trạng khan hiếm thức ăn như vậy.
Nghiên cứu được công bố trên một Tạp chí khoa học Nature Communications, thứ Ba, 28/7, CNN trích dẫn.