Trong một thông cáo ngày 5/1, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roskosmos) cho biết, các chuyên gia của Công ty RKS thuộc Roscosmos đã hoàn thành dự án xây dựng một Nhà máy điện năng lượng mặt trời trên không gian (SKES).

Nhà máy nhằm cung cấp nguồn điện thường xuyên 24/24 cho các khu vực khó tiếp cận, miền núi, hải đảo và các khu vực khác của Trái đất, đồng thời sẽ cho phép chuyển năng lượng cho các thiết bị khác đang hoạt động trên quỹ đạo.

leftcenterrightdel
Cấu trúc hệ thống pin mặt trời siêu nhẹ trong một dự án điện mặt trời không gian của Caltech, Mỹ. Nguồn: cnet.com. 

Tổ hợp SKES bao gồm hai phần trên không gian và dưới mặt đất. Mô đun trên không gian là một phi thuyền không người lái có diện tích 70 m2, có nhiệm vụ hấp thụ, tích lũy năng lượng mặt trời và truyền về Trái đất dưới dạng chùm tia laser. Mô đun nhận là một hệ thống ăng ten di động trên mặt đất với pin thu năng lượng và chuyển đổi nó thành điện năng, phân phối cho người tiêu dùng. 

Maria Barkova, kỹ sư nghiên cứu của bộ phận phát triển thiết bị tiên tiến của RKS, cho biết, giải pháp của dự án giải quyết được vấn đề cấp bách là tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, trong khi nguồn năng lượng mặt trời trong không gian là vô tận và có hiệu suất cao.

leftcenterrightdel
Truyền nguồn điện sạch từ không gian về Trái đất có thể là giải pháp “thay đổi cuộc chơi”. Nguồn: cnet.com. 

Theo RKS, việc truyền năng lượng từ trạm không gian đến Trái đất là có thể thực hiện được với tốc độ nhanh và mức tổn thất tối thiểu; trong khi các tấm pin mặt trời đặt trong không gian tiết kiệm năng lượng hơn nhiều lần so với các tấm pin hoạt động trên Trái đất.

Trước đó, có thông tin cho rằng thí nghiệm về truyền tải điện không dây bằng bức xạ laser đã được đưa vào chương trình nghiên cứu trong phân đoạn Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS của Nga.

Theo các chuyên gia, hấp thụ năng lượng mặt trời trong không gian và truyền năng lượng không dây đến Trái đất thông qua vi sóng hoặc chùm tia laser cho phép cung cấp điện cho mặt đất 24/24 mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc thời gian trong ngày. 

Văn Phong/Roskosmos, RIA, Spacesolar