Đề xuất dự án điện gió ngoài khơi 3.000MW ở Bình Thuận
Cập nhật lúc 16:55, Thứ tư, 11/12/2019 (GMT+7)
Với lợi thế mặt bằng “sạch” và tiết kiệm quỹ đất, phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên mặt nước đang là một xu thế và nhiều tiềm năng. Nhà đầu tư Đan Mạch đã đề xuất tỉnh Bình Thuận dự án điện gió ngoài khơi, công suất tới 3.000MW.
Ngày 10/12, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, đại diện Công ty CIP Đan Mạch đã đề xuất đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tỉnh này, công suất 3.000 MW.
Công ty CIP thành lập từ năm 2012, lĩnh vực sản xuất chính là năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu khai thác điện gió trên biển.
|
|
Khai thác năng lượng tái tạo trên biển đang là xu thế và nhiều tiềm năng. Ảnh minh họa. |
Tại buổi làm việc, đại diện CIP bày tỏ mong muốn đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam và xác định đây là thị trường trọng điểm trong chiến lược đầu tư.
Theo thuyết trình, dự án điện gió được đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2020 - 2024) lắp đặt thiết bị đạt công suất 600MW, giai đoạn 2 hoàn thành tước 2030, để nhà máy đạt công suất định hình 3.000MW.
|
|
Nhà máy điện gió Bạc Liêu, dự án điện gió trên biển đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: Economic. |
Liên quan lĩnh vực điện gió trên biển, đầu tháng 4/2019, các nhà đầu tư thuộc liên doanh Công ty CP Năng lượng Dầu khí Châu Á – Tập đoàn Pure New Energy – Công ty TNHH Novasia Energy, do Công ty CP Dầu khí Châu Á làm đại diện đã đề xuất tỉnh Bình Thuận siêu dự án điện gió ngoài khơi, tổng công suất tới 2.5GW, vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD, dự kiến đặt ngoài khơi vùng biển hai huyện Tuy Phong- Bắc Bình.
Thuận Bắc