Các nhà nghiên cứu quan sát đĩa xoáy xung quanh ngôi sao AB Aurigae và chứng kiến một thế giới mới đang hình thành. Họ tin rằng, có thể đã tìm thấy bằng chứng trực tiếp đầu tiên về một hành tinh mới được sinh ra.
Một đĩa bụi và khí dày đặc đã được phát hiện xung quanh một ngôi sao trẻ tên là AB Aurigae, cách Trái đất khoảng 520 năm ánh sáng.
Sử dụng Kính thiên văn khổng lồ tại Đài thiên văn Nam châu Âu (VLT), Chile, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy một cấu trúc xoắn ốc với một lõi xoắn ở gần trung tâm, cho thấy một thế giới mới có thể đang trong quá trình hình thành. Các đĩa xoáy là một trong những dấu hiệu nhận biết về hệ sao được sinh ra trong chòm sao Auriga, các nhà khoa học cho biết.
Tiến sĩ Anthony Boccaletti, người đứng đầu nghiên cứu từ Observatoire de Paris tại Đại học PSL, Pháp, nói, cho đến nay, hàng ngàn ngoại hành tinh đã được xác định, nhưng ít ai biết về cách chúng hình thành. Và, để khám phá điều này, cần quan sát các hệ thống sao non trẻ để ghi lại khoảnh khắc khi các hành tinh hình thành.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học đã không thể chụp được những bức ảnh thực sự rõ nét về những chiếc đĩa trẻ để tường tận những vòng xoắn này.
Tiến sĩ Boccaletti và nhóm các nhà thiên văn học của ông đã sử dụng thiết bị quang học Sphere của VLT để chụp ảnh AB Aurigae, cho thấy một vòng xoáy bụi tuyệt đẹp.
Công cụ tương tự đã được sử dụng vào năm 2018 để chụp ảnh hành tinh sơ sinh khác, được cho chỉ mới 5,4 triệu tuổi, so với tuổi của vũ trụ khoảng 13,8 tỉ năm tuổi.
Khi hành tinh mới xoay quanh AB Aurigae, nó khiến cho khí và bụi xung quanh được định hình thành một lõi xoắn ốc. Vùng màu vàng rất sáng gần trung tâm của xoắn ốc là lõi xoắn.
Anne Dutrey, một đồng tác giả nghiên cứu, cho biết, khí và bụi từ đĩa tích tụ hình thành hành tinh và làm cho nó phát triển. Tình huống rất được mong đợi, giúp làm sáng tỏ một số mô hình lý thuyết về sự hình thành hành tinh.