Cùng là con của một bố, một mẹ sinh ra, thế nhưng hai người con thứ bảy và thứ tám lại mang dị tật khác người khi mỗi bàn tay, bàn chân của họ đều có 6 ngón, trong khi các anh chị em còn lại không bị dị tật gì. Chưa dùng lại ở đó, hai con người này còn giống nhau một cách kỳ lạ trong ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày. Hai anh em giống nhau về chiều cao, hình thể, sự dị dạng về những ngón tay, chân, đến cả lời nói. Khi đi ngủ, tư thế, cử chỉ của hai “người 6 ngón” cũng giống nhau như đúc.
Giống nhau về dị dạng…
Đến cầu Mương Cát thuộc thôn Mỹ An 2, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi thăm nhà anh em “người 6 ngón”, người dân ai cũng nhiệt tình chỉ đường, họ còn đùa vui: “Khi gặp hai anh em nhà họ, anh nhận dạng được ai là anh, ai là em thì giỏi”. Từ câu đùa này khiến chúng tôi càng thêm tò mò và chỉ mất khoảng 5 phút, chúng tôi đã tìm đến đúng nhà anh em “mỗi bàn 6 ngón”. Ngồi trò chuyện, ông Đặng Văn Đướt (SN 1944, bố của hai anh em “6 ngón”), cho biết: “Gia đình tôi có tổng cộng 10 đứa con, 5 trai, 5 gái. Trong đó, 6 đứa con đầu và 2 đứa con út đều lành lặn, riêng hai thằng thứ 7 và 8 lại có dị tật bẩm sinh khác thường. Mỗi bàn tay, bàn chân của tụi nó đều có 6 ngón, tổng cộng mỗi đứa có 24 ngón tay, chân”.
Vào một buổi sáng tháng 8-1983, vợ ông Đướt chuyển dạ và được người thân đưa đến Trạm Y tế xã Hoài Thanh để “vượt cạn”. Tuy nhiên, khi cháu bé ra đời, các y bác sĩ nơi đây hết sức ngạc nhiên khi thấy ở mỗi bàn tay, bàn chân của cháu bé đều có 6 ngón nhưng trừ ngón cái thì các ngón của lại giống nhau như đúc, không phân biệt được ngón nào là ngón thừa. Ông Đướt kể: “Sau khi vợ tôi sinh, các bác sĩ bảo con tôi bị dị tật khác người, tôi hoảng hồn sợ cháu có bị sao không nhưng rất may là những ngày sau đó sức khỏe của cháu vẫn bình thường. Tôi đặt tên cháu là Đặng Văn Vương, thương cháu kém may mắn, vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc kỹ lưỡng từng miếng ăn, giấc ngủ”. Tưởng dị tật là do số phận của người con này, nào ngờ trong lần trở dạ tiếp theo năm 1985, vợ chồng ông Đướt lại đón thêm một đứa con trai dị dạng giống y hệt như Vương. Ông Đướt đặt tên con là Đặng Văn Long. Cũng từ ngày đó, làng quê nghèo Mỹ An 2 bỗng dưng nổi tiếng, người dân địa phương đặt hai anh em Vương, Long là “người 6 ngón”. Truyền tai nhau, nhiều người dân từ các địa phương khác cũng lặn lội tìm đến tận nhà ông Đướt để “mục sở thị” hai “người 6 ngón” này. Có người còn đùa với vợ chồng ông Đướt sao không đặt hai đứa con theo thứ tự là Long, Vương để lớn lên làm quan. Ông Đướt chỉ cười cho qua chuyện.
Để kiếm chứng về câu nói đùa của người dân lúc hỏi đường, trong cái nắng chang chang chúng tôi băng qua mấy mảnh đất phía sau nhà ông Đướt để tìm gặp anh em Vương, Long đang đi phơi rơm. Quả thật đúng như lời người dân đùa, đập vào mắt chúng tôi là hai con người giống nhau về chiều cao, hình thể, sự dị dạng về những ngón tay, chân, đến cả lời nói. Nếu có khác thì khác đôi chút về gương mặt nhưng nhìn kỹ vẫn thấy giống nhau. Gặp chúng tôi, một trong hai người hỏi giọng lắp bắp: “Anh biết ai anh, ai em không?”, một cái lắc đầu làm hài lòng hai “người 6 ngón” và họ mỉm cười như để khẳng định câu hỏi của họ không đến nỗi ngớ ngẩn. Bà Nguyễn Thị Từng (SN 1947, mẹ của Vương, Long), cho biết: “Khi mới sinh ra, mỗi bàn tay, bàn chân của hai đứa con tôi đều có 6 ngón nhưng nó không ảnh hưởng tới sức khỏe nên vợ chồng tôi cũng mừng, nhưng không ngờ là cả hai đều bị chậm phát triển về trí tuệ. Lúc nhỏ, bạn bè cùng trang lứa vui đùa, nhảy nhót chơi trò này trò kia thì hai tụi nó lại cứ lủi thủi ở nhà. Khi đến tuổi đi học, tôi đưa chúng đến trường học nhưng khi đi làm về đã thấy hai đứa ở nhà, tôi hỏi thì chúng bảo: “Con không đi học đâu. Anh em tụi con ở nhà làm ruộng với bố mẹ cho khỏe”. Vì thế nên bây giờ tụi nó không biết con chữ là gì”.
Giống đến từng miếng ăn, giấc ngủ
Không chỉ giống nhau về dị dạng, mỗi lần đi làm việc gì, hai người con của ông Đướt phải làm cùng công việc mới chịu. Ông Đướt cho biết: “Nếu đi chơi hoặc đi làm mà bảo một đứa đi, còn một đứa ở nhà hoặc làm việc khác thì chẳng bao giờ tụi nó đi. Một lần tôi cố tình bảo thằng Vương đi cuốc đất với tôi, còn thằng Long đi phơi rơm với mẹ nó, thằng Vương liền bảo: “Để hai tụi con đi cuốc đất, bố mẹ đi phơi rơm hoặc hai tụi con đi phơi rơm, bố mẹ đi cuốc đất. Không được thì bố mẹ ở nhà, để tụi con làm xong việc này, rồi làm việc kia sau”. Tôi cố tình bảo hai đứa phải nghe lời tôi thì tụi nó khóc òa lên, rồi cả hai cùng ở nhà”.
Chưa dừng lại ở đó, lời nói và ý nghĩ của cả hai cũng giống nhau. Cả hai cùng có giọng rồ rồ, khi nói chuyện khó phân biệt là tiếng của người anh hay người em. “Nếu anh Vương nói về một sự việc gì, dù đúng hay sai thì ngay tức khắc anh Long cũng đồng ý và ngược lại, anh Long nói như thế nào thì anh Vương cũng gật đầu. Có lần, cả gia đình ngồi nói chuyện về mấy đứa cháu nội, ngoại của bố mẹ. Anh Vương bảo thằng con anh Hai và thằng con anh Bốn hiền như đất, anh Long liền vỗ tay. Cả nhà bảo hai thằng cháu, hai tính cách khác nhau thì cả hai đều không chịu. Trong khi đó, cả nhà ai cũng biết, hai đứa cháu dù ngang tuổi nhau nhưng một đứa thì ngỗ nghịch, làm biếng, ai nói gì cũng cãi lại, còn một đứa thì lúc nào cũng im ru, lặng lẽ lo việc nhà cửa, phụ giúp bố mẹ”, anh Đặng Văn Khánh (SN 1988, em trai kế của anh Long) cho biết. Khi đi ngủ, tư thế, cử chỉ của hai “người 6 ngón” cũng giống nhau như đúc. Anh Khánh tâm sự: “Phát hiện ra điều này là vì từ nhỏ hai ảnh đã ngủ chung giường, để ngủ riêng là mấy anh không chịu. Nếu một anh nằm ngủ nghiêng, một tay để dưới đầu làm gối, tay kia để ngang trước bụng thì anh còn lại cũng giống tư thế đó. Giờ giấc đi ngủ cũng giống nhau, khi đi ngủ thì cả hai cùng đi, có khi cả hai cùng thức một lúc. Nếu buổi trưa nào không đi ngủ là cả hai cùng thức, rồi cùng đi loanh quanh đâu đó để chơi”.
Không những thế, việc ăn uống hàng ngày cũng giống nhau đến từng sở thích nhỏ. Bà Từng cho biết: “Cùng với dị tật ngón tay, ngón chân, đôi mắt của hai đứa con tôi cũng lờ đờ không nhìn rõ, chúng nó quét nhà thì chỗ được chỗ mất nên chẳng làm gì được nhiều. Vì thế nên khi ăn cơm, tụi nó phải ăn bằng tô, tôi xới cho mỗi đứa một tô, rồi bỏ thức ăn cho tụi nó ngồi xúc ăn. Có điều là tôi phải bỏ đồ ăn giống nhau, ngửi trong tô mà thấy hương vị khác với tô kia là tụi nó không ăn. Tụi nó ăn một lúc thì khi hết cũng cùng một lúc, tôi không hiểu tại sao tụi nó lại giống đến thế nữa”.
Khi được hỏi về hai bên nội ngoại có trường hợp nào bị dị tật tương tự như hai người con của mình không thì bà Từng khẳng định là không. Tuy nhiên, bà Từng cũng cho biết, vào năm 1964 bà tham gia đào hầm cho bộ đội ở địa phương nhưng một lần không may bị địch phát hiện và bắn về phía bà 19 phát đạn. Khi đến phát thứ 19 thì trúng vào đùi trái của bà làm bị thương nặng và từ đó không còn tham gia đào hầm nữa. Khi sinh ra anh Vương và Long bị dị tật, gia đình có đưa bà và hai con đi khám bác sĩ thì được lý giải, rất có khả năng bà bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam rồi di truyền sang hai con. Thế nhưng việc những người con khác không bị di truyền từ bà thì không lý giải được.
Ông Huỳnh Văn Để, Trưởng thôn Mỹ An 2, cho biết: “Không chỉ trong thôn Mỹ An 2 mà toàn xã Hoài Thanh chưa có trường hợp nào bị dị tật như hai người con của ông Đướt. Còn nguyên nhân vì sao lại có dị tật khác người như thế thì đến nay nhiều người có chuyên môn vẫn chưa có giải thích”.
Theo ANTĐ