Kim cương hóa ra không hiếm, phát hiện có tới 'triệu tỷ tấn' dưới lòng Trái Đất
Cập nhật lúc 14:48, Thứ năm, 19/07/2018 (GMT+7)
Các nhà khoa học đã phát hiện ra những mỏ đá quý khổng lồ, với số lượng lên tới triệu tỷ tấn kim cương, ở độ sâu cách bề mặt Trái Đất 160 km.
Phát hiện đáng kinh ngạc trên là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Công nghệ MIT, Harvard và Đại học California tại Berkeley sau khi sử dụng sóng âm và phân tích các hồ sơ địa chấn.
“Đặc tính của kim cương rất đặc biệt”, Tiến sĩ Ulrich Faul, nhà khoa học nghiên cứu Đại học MIT, giải thích, "một trong những đặc tính của nó là vận tốc âm thanh đi qua kim cương nhanh gấp hai lần so với đa số các khoáng vật olivine trong tầng đá phía trên".
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra âm thanh di chuyển với vận tốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong các phần đá được gọi là rễ cratonic. Theo nghiên cứu, có tới hai phần trăm trong rễ cratonic có thể chứa kim cương. Điều này đồng nghĩa với việc có thể có một triệu tỷ tấn kim cương nằm rải rác bên dưới bề mặt hành tinh của chúng ta. Có thể thấy kim cương không phải là khoáng chất hiếm, mà xét theo quy mô địa chất, nó tương đối phổ biến”, tiến sĩ Faul khẳng định.
Tuy nhiên, mỏ kim cương tự nhiên này lại bị vùi sâu hơn 160km so với bề mặt Trái Đất, đồng nghĩa với việc một cuộc chạy đua săn kim cương khó xảy ra.
Hiện độ sâu nhất xuống lòng đất mà các máy khoan hiện đại có thể thực hiện được là 12 km tại Kola Superdeep Borehole (Nga), và công việc này phải mất 20 năm mới hoàn thành.
Tiến sĩ Faul thừa nhận bằng chứng về sự tồn tại của kim cương dưới lòng đất chỉ là “dựa vào suy đoán” nhưng đó là lời giải thích hợp lý duy nhất cho kết quả dữ liệu tốc độ âm thanh họ thu thập.
Bảo Hà/Báo Tin tức