Mới đây, các nhà khoa học đã sử dụng một hộp sọ được phát hiện ở Thung lũng các vị vua cách đây gần 100 năm để tái hiện diện mạo của Pharaoh Akhenaten người trị vì từ năm 1353 đến năm 1335 trước Công nguyên và là cha của Pharaoh Tutankhamun.
Hình ảnh kỹ thuật số cho thấy một người đàn ông ở độ tuổi 20 với quai hàm dài, đôi mắt sâu cùng chiếc mũi nhọn trông giống như vua Tutankhamun.
|
|
Tái hiện diện mạo Pharaoh Akhenaten |
Akhenaten kết hôn với một trong những chị gái của mình và sinh ra Tutankhamun. Tuy nhiên cuộc hôn nhân cận huyết này đã dẫn tới việc vua Tutankhamun lớn lên với nhiều vấn đề bất thường về sức khỏe. Các chuyên gia tin rằng đây là nguyên nhân gây nên cái chết sớm của Tutankhamun.
Hình ảnh kỹ thuật số khuôn mặt của Akhenaten được tái hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Nhân chủng học Pháp y, Cổ sinh học (FAPAB) ở Sicily (Ý). Các chuyên gia đã sử dụng hộp sọ từ một xác ướp được phát hiện vào năm 1907.
Xác ướp này được gọi là KV 55, được tìm thấy trong một ngôi mộ chỉ cách nơi Tutankhamun an nghỉ vài bước chân, khiến các nhà nghiên cứu thời đó tin rằng đây chính là cha của Pharaoh Tutankhamun nổi tiếng.
Nhờ công nghệ hiện đại, một phân tích DNA được thực hiện cách khoảng một thế kỷ sau khi KV 55 được tìm thấy, cho thấy hài cốt này chính là cha ruột của vua Tutankamun.
Quá trình tái tạo khuôn mặt mất rất nhiều thời gian để hoàn thành, nhưng không giống như những hình ảnh được tái hiện trước đó của KV 55, nhóm nghiên cứu đã loại bỏ tóc, đồ trang sức để chỉ tập trung vào các đặc điểm trên khuôn mặt.
Các nhà khoa học đã sử dụng một quy trình gọi là phương pháp Manchester cho dự án này, trong đó xem xét cả độ dày của mô mềm và cơ mặt khi tái tạo khuôn mặt.
Francesco Galassi, giám đốc và đồng sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu FAPAB nói với Live Science: “Cơ mặt và dây chằng được mô phỏng trên mô hình hộp sọ theo các quy tắc giải phẫu học”.
“Da được đặt lên hàng đầu và độ dày của mô là giá trị trung bình đã được xác định một cách khoa học”, ông Francesco cho hay.
Akhenaten là một vị Pharaoh hứng chịu nhiều sự chỉ trích khi ông cai trị Ai Cập. Khi Akhenaten lên nắm quyền, ông đã từ bỏ truyền thống thờ nhiều vị thần của Ai Cập để chuyển sang thuyết độc thần và chỉ bày tỏ lòng tôn kính với một vị thần mặt trời có tên là Aten.
Sự thay đổi này không được chấp nhận rộng rãi ở Ai Cập cổ đại, vì toàn bộ nền văn hóa của họ từ trước tới nay luôn tập trung vào nhiều vị thần.
Khi Akhenaten qua đời, người dân đã tháo dỡ và cất giấu các tượng đài của vị Pharaoh quá cố này và tên của ông đã bị xóa khỏi danh sách những người từng cai trị Ai Cập.
Tôn giáo đa thần trước đó đã được tái lập sau khi con trai của Akhenaten, Tutankhamun lên ngôi.