Thông thường vào đầu thánh 10, chớm Đông, đỉnh Phú Sĩ- ngọn núi cao nhất và mang tính biểu tượng của Nhật Bản, trắng tuyết.
Thế nhưng, đã sắp bước sang tháng 11, giờ đây, đỉnh Phú Sĩ vẫn trơ trụi, đánh dấu việc chậm có tuyết bất thường trong 130 năm qua, kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập.
Đợt tuyết rơi đầu tiên báo hiệu mùa Đông đã đến. Nó diễn ra sau mùa leo núi mùa Hè, năm nay kết thúc vào ngày 10/9.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), thông thường, tuyết bắt đầu hình thành trên núi Phú Sĩ vào ngày 2/10 hàng năm. Năm ngoái, tuyết xuất hiện muộn hơn, vào ngày 5/10 và hầu như tan chảy vào đầu tháng 11 do nhiệt độ ấm.
Theo Văn phòng Cơ quan khí tượng Kofu, tỉnh Yamanashi, nơi đã công bố trận tuyết rơi đầu tiên trên núi Phú Sĩ hằng năm kể từ khi thành lập vào năm 1894, vẫn chưa công bố sự kiện này trong năm nay vì lí do thời tiết ấm trái mùa bất thường.
Các nhà khí tượng học cho rằng, biến đổi khí hậu có thể có một số ảnh hưởng đến việc đỉnh núi Phú Sĩ vắng tuyết.
|
|
Hình ảnh núi Phú Sĩ ngày 28/10. Nguồn: @ volcaholic1. |
|
|
Ảnh chụp trên không núi Phú Sĩ ngày 10/8. Ảnh: Stringer/ Kyodo News/ Getty. |
Ngày 29/10, ông Shinichi Yanagi, một nhân viên khí tượng tại văn phòng Kofu, cho biết, do nhiệt độ cao ở Nhật Bản vẫn duy trì kể từ mùa Hè và trời có mưa nên không có tuyết rơi.
Theo ông Yanagi, kỉ lục tuyết rơi trên đỉnh Phú Sĩ muộn nhất được ghi nhận vào ngày 26/10, được thiết lập vào các năm 1955 và 2016.
“Chúng tôi thường có thể thưởng ngoạn quang cảnh của ngọn núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng giữa sắc Thu vào thời điểm này trong năm. Con phố này đã trở thành địa điểm nổi tiếng để thưởng ngoạn phong cảnh đẹp như tranh vẽ của ngọn núi Phú Sĩ. Tôi đang mong chờ trận tuyết rơi đầu tiên để có thể cảm nhận được sự chuyển mùa.”, Yuka Shimizu, nhân viên tại một quán nước trên phố Honcho-dori, TP Fujiyoshida, tỉnh Yamanashi, cho biết.
Theo dữ liệu từ JMA, nhiệt độ đã tăng đều đặn trong thế kỉ qua, với mức tăng đáng kể trong những năm gần đây.
JMA cho biết, tháng 9 năm nay Nhật Bản ghi nhận mùa Hè nóng nhất kể từ khi thu thập dữ liệu vào năm 1898.
Cũng theo JMA, nhiệt độ trung bình từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay tại Nhật Bản cao hơn 1,76 độ C so với mức trung bình nhiều năm, vượt qua kỉ lục trước đó là 1,08 độ C được thiết lập vào năm 2010.
|
|
Núi Phú Sĩ là một danh thắng đặc biệt, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 6/2013 / Pixabay. |
|
|
Đỉnh núi Phú Sĩ thông thường phủ tuyết trắng quanh năm, bắt đầu từ đầu tháng 10. Ảnh: Itsuo Inouye/ AP/ NTB. |
Theo phân tích từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản vẫn ấm áp bất thường vào mùa Thu, với ít nhất 74 thành phố ghi nhận nhiệt độ là 30 độ C hoặc cao hơn vào tuần đầu tiên của tháng 10.
Mùa Hè nóng nực khắc nghiệt ở Nhật Bản không phải là hiện tượng cục bộ. Mùa Hè này đã phá vỡ kỉ lục nhiệt độ toàn cầu trong năm thứ hai liên tiếp.
Hiện tượng thời tiết El Niño góp phần thúc đẩy nhiệt độ tăng đột biến, cũng như các yếu tố do con người gây ra như đốt nhiên liệu hóa thạch, nguồn cơn chính gây ra khủng hoảng khí hậu.
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng, thế giới cần hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kì tiền công nghiệp để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu mới vào tháng 1 phát hiện ra rằng, khủng hoảng khí hậu đã làm giảm lượng tuyết rơi ở hầu hết các khu vực Bắc bán cầu trong 40 năm qua.
Tuyết rơi muộn hơn trên núi Phú Sĩ có thể là dấu hiệu đáng lo ngại về lâu dài. Còn trước mắt, việc vắng tuyết trên núi Phú Sĩ với mùa Đông ấm hơn sẽ tác động lượng đến lượng tuyết rơi, các hoạt động du lịch, trượt tuyết, cúng như ảnh hưởng đến nền kinh tế địa phương, nguồn cung cấp nước.
|
|
Núi Phú Sĩ không không có dấu vết tuyết rơi vào ngày 26/10. Nguồn: The Japannews/ Asia news network. |
|
|
Người leo núi xếp hàng để chụp ảnh trên đỉnh Kengamine của núi Phú Sĩ vào ngày 10/8. Ảnh: Stringer/ Kyodo News/ Getty. |
Nằm giữa hai tỉnh Yamanashi và Shizuoka của Nhật Bản, núi Phú Sĩ cao 3.776,24 trên mực nước biển, là ngọn núi cao nhất Nhật Bản và là đỉnh núi cao thứ 2 trên một hòn đảo tại châu Á và thứ 7 trên thế giới,
Nguyên là một núi lửa dạng tầng đã ngưng hoạt động với lần phun trào cuối vào năm 1707-1708, núi Phú Sĩ là một trong “Tam linh sơn” (ba ngọn núi linh thiêng) của Nhật Bản cùng với Núi Haku và Núi Tate.
Núi Phú Sĩ là một danh thắng đặc biệt và một di tích lịch sử của Nhật Bản, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 6/2013 nhờ giá trị văn hóa.
Đỉnh núi thường được phủ tuyết gần như quanh năm cho đến khi mùa leo núi hàng năm bắt đầu vào tháng 7, chào đón hàng triệu du khách háo hức leo lên đỉnh hoặc ngắm bình minh từ những sườn núi đẹp mê hồn.
Trong những năm gần đây, ngọn núi này đã quá tải khách du lịch, kèm theo là rác thải.
Vào tháng 7, chính quyền đã áp dụng thuế du lịch và áp dụng các quy định mới để quản lí lượng khách lên núi. Hiện tại, người leo núi phải trả 12,4 đô la cho mỗi lần lên núi, với số lượng khách leo núi tối đa không quá 4.000 người mỗi ngày.