Trong thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi (DART), hôm 26/9 NASA đã tạo ra một cú va chạm lịch sử giữa tàu vũ trụ DART bay ở tốc độ 22.530 km/h với tiểu hành tinh gần Trái đất có tên Dimorphos, mặt trăng của tiểu hành tinh lớn hơn Didymos.
Phân tích dữ liệu thu được từ 2 tuần qua cũng như các quan sát từ Trái đất cho thấy, thử nghiệm đã thành công.
|
|
Vụ va chạm cố ý của NASA nhằm thử nghiệm khả năng làm chệch hướng bay của hành tinh trong sứ mệnh bảo vệ Trái đất khỏi các cuộc tấn công của thiển thể vũ trụ. Nguồn: NASA. |
Theo Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA), trước khi va chạm, Dimorphos (dài 160 m) đã mất 11 giờ 55 phút để quay quanh tiểu hành tinh mẹ Didymos (đường kính 780 m).
Các nhà thiên văn học đã sử dụng các kính thiên văn trên mặt đất để đo quỹ đạo của Dimorphos, xác định sau cú đâm, thời gian thực hiện một vòng quỹ đạo của Dimorphos quanh Didymos hiện là 11 giờ 23 phút.
|
|
Hình ảnh bề mặt tiểu hành tinh Dimorphos do camera gắn trên tàu vũ trụ DART ghi lại trước khi xảy ra va chạm và hình ảnh quan sát vụ va chạm từ 2 kính thiên văn Hubble, Webb. Nguồn: NASA. |
Như vậy, tác động của tàu vũ trụ DART đã thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos khiến thời gian thực hiện một quỹ đạo của nó giảm đi 32 phút.
Sứ mệnh DART, một cuộc trình diễn quy mô đầy đủ về công nghệ làm chệch hướng một thiên thể, là sứ mệnh đầu tiên của loài người được tiến hành nhân danh bảo vệ hành tinh Trái đất. Sứ mệnh cũng là lần đầu tiên loài người cố ý thay đổi đường bay của một thiên thể trong không gian.
Trước vụ va chạm, NASA xác định, một khi vụ va chạm làm thay đổi thời gian thực hiện một quỹ đạo của Dimorphos tối thiểu từ 73 giây trở lên thì thử nghiệm thành công. Kết quả sơ bộ cho thấy, DART đã vượt qua mức tối thiểu này hơn 25 lần.
“Kết quả này là một bước quan trọng để hiểu được hiệu ứng đầy đủ của vụ va chạm của DART với tiểu hành tinh mục tiêu của nó. Khi dữ liệu mới tiếp tục được bổ sung, các nhà thiên văn học sẽ có thể đánh giá chính xác hơn liệu và bằng cách nào, một sứ mệnh như DART có thể được sử dụng trong tương lai để giúp bảo vệ Trái đất khỏi va chạm với một tiểu hành tinh.”, Lori Glaze, Giám đốc Bộ phận Khoa học Hành tinh của NASA bày tỏ.
|
|
Tàu vũ trụ DART đang tiến đến để va chạm với tiểu hành tinh Dimorphos (phía ngoài). Nguồn: NASA. |
NASA cho biết, các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục quan sát, thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu đầy đủ thử nghiệm về độ chệch chuyển động của tiểu hành tinh Dimorphos; mặt khác, sẽ phân tích lượng đá và bụi từ tiểu hành tinh này phát tán vào không gian sau cú va chạm.
Trong khi Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng lên kế hoạch triển khai một dự án trong vài năm tới để tiến hành các khảo sát chi tiết về cả Dimorphos và Didymos, đặc biệt tập trung vào miệng hố do vụ va chạm của DART để lại và đo đạc chính xác khối lượng của Dimorphos.
|
|
Sơ đồ vụ va chạm của sứ mệnh DART. Nguồn: NASA/Johns Hopkins Applied Physics Lab. |
Hiện có hơn 27.000 tiểu hành tinh và thiên thể gần Trái đất, tồn tại ở mọi hình dạng và kích thước, tuy nhiên không có tiểu hành tinh nào được xác định đang trong quá trình tác động trực tiếp tới Trái đất.
Tìm kiếm, phát hiện các tiểu hành tinh có nguy cơ đâm vào Trái đất là một ưu tiên của NASA và các đối tác quốc tế. Hiện NASA đang xem xét thiết kế cho một kính viễn vọng đặt trong không gian có tên là sứ mệnh Thăm dò vật thể gần Trái đất.