Brazil đã đánh chìm một hàng không mẫu hạm đã loại biên ở Đại Tây Dương trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này, bất chấp những lo ngại của các nhóm hoạt động môi trường, chiếc tàu chiến già nua này được cho là đóng bằng các vật liệu độc hại.

“Vụ đánh chìm tàu sân bay Sao Paulo có kiểm soát đã diễn ra vào chiều muộn ngày 3/2 ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Brazil khoảng 350 km, trong một khu vực có độ sâu khoảng 5.000 m.”, thông cáo của Hải quân Brazil cho biết.

leftcenterrightdel
 Tàu sân bay từng vang bóng một thời trong thành phần Hải quân Pháp, có sức chứa 40 máy bay. Nguồn: @NGOShipbreaki.

Quyết định đánh đắm tàu sân bay 60 năm tuổi Sao Paulo được đưa ra sau khi giới chức Brazil nỗ lực tìm một cảng sẵn sàng đón con tàu nhưng bất thành.

Mặc dù các quan chức quốc phòng tuyên bố, việc đánh chìm con tàu được thực hiện trong khu vực an toàn nhất, nhưng các nhà môi trường đã phản đối quyết định này, cho rằng, con tàu chứa hàng tấn amiăng, kim loại nặng và các vật liệu độc hại khác có thể phát tán trong môi trường nước và khiến nguồn lợi hải sản bị nhiễm độc.

leftcenterrightdel
 Tàu sân bay Sao Paulo năm 2003. Nguồn: USN.

Được đóng vào cuối những năm 1950 tại Pháp, mang tên Foch trong 37 năm, đến năm 2000 tàu sân bay lớp Clemenceau 32.000 tấn, dài 266 m được Brazil đã mua lại với giá 12 triệu USD, từ đó nó  mang tên mới Sao Paulo.

Một vụ hỏa hoạn xảy ra trên hàng không mẫu hạm vào năm 2005 đã làm bể kế hoạch tái trang bị trị giá 80 triệu USD và khiến con tàu mau chóng xuống cấp.

Năm ngoái, Brazil đã bán con tàu cho Công ty tái chế hàng hải Sok Denizcilik, Thổ Nhĩ Kỳ với giá 10,5 triệu USD để tháo dỡ lấy sắt vụn. Nhưng vào tháng 8, ngay khi nó chuẩn bị được kéo nó vào biển Địa Trung Hải, giới chức môi trường Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn kế hoạch này.

leftcenterrightdel
 Tàu sân bay Sao Paulo được công bố ngày 7/6/ 2011. Nguồn: Hải quân Brazil/ Reuters.

Tàu sân bay Sao Paulo đã lênh đênh ngoài khơi trong ba tháng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho nó vào cảng để tháo dỡ vì lo ngại nó gây nguy hại cho môi trường.

Con tàu sau đó đã được kéo trở lại Brazil nhưng không được cho cập cảng với lý do “rủi ro cao” đối với môi trường.

Hải quân Brazil cũng từ chối cho tàu vào các cảng của mình, sau khi phát hiện nước xâm nhập và con tàu có nguy cơ chìm.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng, khu vực được chọn để đánh chìm con tàu đã được xác định bởi Trung tâm Thủy văn Hải quân, cơ quan coi đây là vị trí “an toàn nhất” vì nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Brazil, các khu vực bảo vệ môi trường, không có cáp ngầm và ở độ sâu lớn hơn 3.000 m.

Văn Phong/AFP, Aljazeera.