"Chúng tôi luôn bảo vệ lâp trường rằng thứ mà chúng tôi mua - nguồn gốc của những thiết bị quân sự - là một quyền chủ quyền", Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar ngày 30/9 tuyên bố với báo giới trước khi gặp Ngoại trưởng chủ nhà Mike Pompeo nhân chuyến công du đến Mỹ, đề cập đến quyết định mua tên lửa phòng không S-400 Nga, theo RT.

leftcenterrightdel
Tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: ITN 

Theo ông S. Jaishankar, Ấn Độ không muốn nước nào chỉ bảo xem liệu họ cần mua thứ gì hay không mua thứ gì của Nga. "Điều đó cũng như việc chúng tôi không muốn bất cứ nước nào khuyên chúng tôi nên mua hay không nên mua từ Mỹ. Quyền tự do lựa chọn là của chúng tôi", Ngoại trưởng Ấn Độ nói thêm.

Ấn Độ, một đồng minh trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô (cũ), hồi năm 2018 đã nhất trí mua 5 hệ thống S-400 trị giá 5,2 tỷ USD, và đang trong quá trình nhận chuyển giao. Mỹ lâu nay cảnh báo New Delhi có thể hứng lệnh trừng phạt nếu mua tên lửa của Nga.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Hệ thống này có thể tiêu diệt mọi mục tiêu từ tên lửa đạn đạo, chiến đấu cơ thế hệ 5, UAV từ khoảng cách 30km đến 400km.

Xét về các đặc tính, tạp chí quốc phòng Jane’s IHS Markit cho rằng, S-400 của Nga có nhiều điểm nổi trội hơn so với hệ thống tên lửa cùng chủng loại do Mỹ sản xuất là MIM-104 Patriot về cả tầm bắn, radar và khả năng tác chiến nhanh chóng trong mọi điều kiện.

Nga gần đây bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không loại này cho Thổ Nhĩ Kỳ và mời một đồng minh thân cận của Mỹ khác ở Trung Đông là Arab Saudi mua các tên lửa loại này, trong bối cảnh Riyadh vừa hứng thiệt hại khổng lồ vì không thể bảo vệ cơ sở sản xuất dầu khỏi đòn tấn công của Houthi.

Thái An