Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vấn đề này tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023 diễn ra chiều ngày 24/8.

leftcenterrightdel
 Theo Thủ tướng, quá trình xây dựng thể chế phải lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng tác động. Ảnh:VGP

Tại phiên họp đã thảo luận các dự án luật: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Theo đó, về  dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cho rằng, cần quy định cơ chế đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô; đồng thời, các quy định cần phù hợp thực tiễn, linh hoạt, không cứng nhắc, dễ thực hiện, giảm tối đa thủ tục hành chính, khâu trung gian, tăng cường chuyển đổi số, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rà soát tổng thể để tiếp tục thể chế hóa, hiện thực hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến Thủ đô Hà Nội, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước cho Thủ đô, nhất là về bộ máy, cán bộ, biên chế, nguồn lực, tài chính (thuế, nguồn lực đất đai, các hình thức hợp tác công tư, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng – TOD), giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, quy hoạch, môi trường…

Về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì và dự án Luật Đường bộ do Bộ Giao thông vận tải chủ trì. Đây là 2 dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục tổng kết các quy định pháp luật liên quan, kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả, bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn; rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng đề nghị 2 Bộ tiếp tục phối hợp rà soát, phân định rõ hơn phạm vi điều chỉnh, nội dung quản lý nhà nước trong 2 dự án Luật bảo đảm rõ trách nhiệm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống; giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Với dự án Luật Đường bộ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định liên quan tới đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường quốc lộ, đường cao tốc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình đường bộ và nghiên cứu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để xử lý đồng bộ các vướng mắc, bất cập về cơ chế đầu tư, xây dựng công trình đường bộ.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật. Ảnh:VGP

Đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp do Bộ Quốc phòng chủ trì, các đại biểu tập trung thảo luận và Thủ tướng cho ý kiến về nội dung bổ sung Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, xác định đây là quy hoạch ngành quốc gia; về nguồn vốn phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; về quy định ưu đãi thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực đặc thù. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu huy động nguồn lực để hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, trong 8 tháng năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 7 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 34 nội dung (trong đó có 11 đề nghị xây dựng luật; 14 dự án luật; đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình 2023; dự thảo nghị quyết và các nội dung khác).

Cơ bản thống nhất với các báo cáo, tờ trình ý kiến phát biểu, dự kiến tiếp thu, giải trình của các bộ, Thủ tướng lưu ý, nhấn mạnh một số nội dung trong xây dựng, hoàn thiện thể chế đó là: Tăng cường vai trò người đứng đầu, bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý;

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật; Nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh, nhiều diễn biến mới, chưa có tiền lệ; Đầu tư công sức, nguồn lực cho công tác thể chế;

Đồng thời, bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp; Tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa, thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng; Xây dựng các quy định phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để huy động mọi nguồn lực cho phát triển; Kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định tình hình thực tiễn

Thủ tướng cũng yêu cầu thông qua việc rà soát, tổng kết, việc trình các dự án, đề nghị xây dựng luật phải bảo đảm: Làm rõ những quy định kế thừa, giữ như hiện hành (còn giá trị, phù hợp); làm rõ những quy định cần loại bỏ; làm rõ những quy định cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới (thực tiễn đặt ra, bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, thực hiện các chủ trương mới của Đảng). Đối với nội dung báo cáo về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần làm rõ thủ tục nào được cắt giảm, đơn giản hóa, thủ tục nào mới được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thì cần có lý do và đánh giá cụ thể.

Đối với vấn đề liên quan đến việc cắt giảm, tăng cường nguồn lực, huy động nguồn lực cần phân tích rõ nguồn lực như thế nào cho phù hợp, đúng luật pháp, phù hợp với với các chủ trương của Đảng. Với các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp thu, giải trình nghiêm túc.

Cùng với đó, tăng cường phân cấp phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ và đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí.

Với các bộ, cơ quan chủ trì trình, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, dự thảo nghị quyết theo quy định; giao các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật theo phân công; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với cơ quan trình trong việc hoàn thiện, trình văn bản.

“Quá trình xây dựng thể chế phải lấy ý kiến của nhân dân, các đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng vận dụng sáng tạo trong điều kiện Việt Nam. Các cơ quan soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với các ủy ban của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị để hoàn thiện những nhiệm vụ đã được giao, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách để tạo sự đồng thuận, thống nhất.”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ xây dựng thể chế còn rất nhiều và nặng nề, các cơ quan cần rà soát lại các nhiệm vụ được giao để bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế.

 

Minh Nhật