Gần 12 nghìn trẻ em là F0, trên 17 nghìn trẻ em là F1

Thời gian qua, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nước ta đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sức khoẻ người dân, trong đó có trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334. Còn theo Bộ Y tế, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi (tính từ ngày 5/7 đến ngày 30/7). Đặc biệt, trong đợt dịch lần 4 này tại TP Hồ Chí Minh có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ...

Bên cạnh đó, trước tác động tiêu cực của đại dịch, trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19. 

Cùng với việc trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha, mẹ; một số cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương bắt đầu bị dịch bệnh xâm nhập nguy, có nguy cơ lây lan sang nhiều em khác. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng.

Cùng với đó, theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 12/9, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang dạy, học trực tuyến, trong đó có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến. Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp. Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Nhiều chính sách vì trẻ em

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỉ đồng. 

leftcenterrightdel
 Trẻ em trong khu cách ly luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ các cơ quan chức năng và cộng đồng. (Ảnh minh hoạ - Báo Hà Nội mới)

Cùng với đó, Bộ cũng tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan để hỗ trợ trẻ em khó khăn như có chính sách đặc thù, gói hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ thiết bị học tập, đề xuất Chính phủ chủ trương, nghiên cứu, sản xuất vắc xin cho trẻ em.

Trước đó, tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định về đối tượng hỗ trợ trong đó có trẻ em. Cụ thể trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày.

Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện an sinh xã hội cho trẻ em theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; lồng ghép kiến thức, kỹ năng trong dạy và học trực tuyến; tăng cường nhận thức, kỹ năng của gia đình đối với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em; một số vấn đề tác động đến trẻ em sau đại dịch và giải pháp ứng phó…

Đáng chú ý, ngày 8/9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1013/QĐ-LĐTBXH về việc hỗ trợ cho trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến 31/12/2021 với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/trẻ em.

Đồng thời, hỗ trợ 2.000.000 đồng/trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 31/12/2021.

Mới đây nhất, ngày 12/9, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục đích hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) để các em có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả.

Ngay tại Lễ phát động, các cơ quan, tổ chức đã ủng hộ hơn 1 triệu máy tính, với trị giá hơn 2.500 tỉ đồng; đầu tư 3.000 tỉ đồng để phủ sóng, hưởng ứng chương trình ý nghĩa này.

Có thể nói, những chính sách của Đảng, Nhà nước nêu trên thời gian qua đã thể hiện ý nghĩa nhân văn, sự quan tâm, chia sẻ đối với trẻ em, những đối tượng dễ bị ảnh hưởng, tổn thương trong bối cảnh dịch bệnh.

Trước đó, từ tháng 4/2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các tổ chức đã xây dựng, phát hành 13 đầu tài liệu, 200 ngàn ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng, hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội; hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai…; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Công điện số 04/CĐ-LĐTBXH chỉ đạo các địa phương tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch COVID-19 và phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em.
P.V