4 mục tiêu, 24 chỉ tiêu cụ thể

Về mục tiêu chung, Kế hoạch nêu rõ, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, Kế hoạch nêu rõ 4 mục tiêu, 24 chỉ tiêu. Cụ thể, về triển toàn diện trẻ em, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em (gồm 7 chỉ tiêu); về bảo vệ trẻ em (7 chỉ tiêu); về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em (7 chỉ tiêu); về sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em (3 chỉ tiêu).

Trong đó, một số chỉ tiêu được xác định rõ như: Tỉ lệ trẻ em bị xâm hại trên tổng số trẻ em dưới 1% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

Tỉ lệ lao động trẻ em và người chưa thành niên (tính đến 17 tuổi) dưới 1% vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.

100% trường học có văn phòng tư vấn và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em vào năm 2025.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Phấn đấu 85% trẻ em được nâng cao kiến thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ em vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...

Cần chế nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các hành vi xâm hại trẻ em

Cùng với các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể, Kế hoạch thực hiện Chương trình cũng nêu lên các nhiệm vụ và giải pháp đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.

Xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thành phố. 

Đồng thời, đề xuất, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền trẻ em và giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề của trẻ em.

Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống dịch vụ đáp ứng thực hiện quyền trẻ em có sự lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Mặt khác, cần bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em.

Hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em mang tính toàn cầu và khu vực; vận động nguồn lực và tham gia xã hội.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Cùng với trách nhiệm của các sở, ngành trong thực hiện Kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội đề nghị TAND thành phố Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, xử lý dứt điểm không để tồn đọng, kéo dài.

Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ điều tra, xét xử thân thiện trong các vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em, không để trẻ em bị tổn thương.

Thông qua quá trình giải quyết các vụ án, Viện kiểm sát, Tòa án nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số điều luật, ban hành nghị định, thông tư để hoàn thiện hệ thống pháp luật với chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các hành vi xâm hại trẻ em.

P.V