VKSND tối cao vừa ban hành Kế hoạch số 91/KH-VKSTC thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 trong ngành KSND. Về nội dung, Kế hoạch nêu rõ, trước hết cần hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên.

Theo đó, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp với TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Thông tư liên tịch về công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 203/QĐ-VKSTC ngày 17/5/2013 của VKSND tối cao về “Thống kê người chưa thành niên phạm tội bị khởi tố, truy tố”; hoàn thiện Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ việc, vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Đồng thời, chủ động, tích cực tham gia ý kiến đối với chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, tư pháp thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên khi có đề nghị của các cơ quan có liên quan.

leftcenterrightdel
Điều tra viên, Kiểm sát viên lấy lời khai một đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, Kế hoạch yêu cầu cần kịp thời xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trong quá trình tham gia tố tụng. Cụ thể, VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với CQĐT ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ việc xâm hại trẻ em để kịp thời thu thập chứng cứ xác định tội phạm, bảo vệ và hỗ trợ tối đa đối với trẻ em bị xâm hại.

Quá trình kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì yêu cầu CQĐT tiến hành khởi tố, điều tra theo đúng quy định của  pháp luật. VKSND các cấp cần có biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án về xâm hại trẻ em bảo đảm ra quyết định truy tố đúng thời hạn, nghiêm minh, đúng người, đúng tội danh đạt 100% số vụ án xâm hại trẻ em.

VKSND các cấp cần ưu tiên giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc, vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em, giảm thiểu các tác động tiêu cực của quy trình tố tụng có thể gây tổn hại đến thể chất và tinh thần của trẻ em; bảo đảm sự hỗ trợ của cha mẹ, người giám hộ, người đại diện hợp pháp khác đối với trẻ em và bảo đảm quyền bào chữa, quyền được bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp khác của trẻ em trong suốt quá trình tham gia gia tố tụng.

Trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án cần chú ý đảm bảo bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tối đa việc trẻ em phải tiếp xúc với người phạm tội hoặc phải xuất hiện trước công chúng trong quá trình tham gia tố tụng; phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng để kịp thời có những biện pháp bảo vệ trẻ em là người tố giác và những người thân thích của trẻ em đó khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm của họ bị xâm hại hoặc bị đe doạ xâm hại.

Cùng với các nội dung trên, Kế hoạch còn đề cập cụ thể đến trách nhiệm của các đơn vị liên quan thuộc VKSND tối cao trong giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo đối với vụ việc, vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em; đồng thời, nghiên cứu và đề ra các giải pháp, kiến nghị đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua công tác của VKSND.

Trong tăng cường truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em, Kế hoạch nêu rõ: Hằng năm, các cơ quan báo chí của Ngành, Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương xây dựng, đăng tải các bài viết, phóng sự, tin tức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trên báo chí và mạng xã hội, góp phần ngăn chặn, kiểm soát được các nội dung có tính chất xấu, độc hại trên mạng xã hội. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến thông tin trên báo chí và mạng xã hội về các kinh nghiệm, kỹ năng nhận diện phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho nhà trường, gia đình và các bậc phụ huynh.

Cùng với đó, VKSND các cấp phối hợp với các cơ quan, ban ngành ở địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng Internet an toàn, hiệu quả.

Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch giao Vụ 2 - VKSND tối cao là đơn vị đầu mối trong việc trao đổi thông tin về các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em; Vụ 14 - VKSND tối cao là đơn vị đầu mối trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em, có trách nhiệm theo dõi và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao trong việc hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra và tổng kết Kế hoạch này.
P.V