Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng C04 cho biết, theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2017, phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 135.000 người và năm 2019 là hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an.

Tuy nhiên, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp, đặc biệt là ma túy tổng hợp. “Tính đến tháng 11/2021, toàn quốc có 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ người nghiện tăng trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho biết.

Hiện nay, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào nơi cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn. Người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn nhiều, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Không ít những vụ thảm án, sát hại người thân hoặc tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người nghiện ma tuý gây ra.

Luật Phòng, chống ma túy 2021 được ban hành nhằm giải quyết, điều chỉnh những thiếu sót để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều quy định chặt chẽ hơn về quản lý người sử dụng ma túy; giải quyết những tồn tại về quản lý cai nghiện và hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có một chương riêng về quản lý người nghiện ma túy và xác định tình trạng của người sử dụng chất cấm, trong đó đã quy định cụ thể: Người sử dụng trái phép chất ma túy và Người nghiện ma túy  là hai đối tượng riêng biệt. Vấn đề quản lý người sử dụng ma túy ngay từ lần đầu tiên cũng đã được đưa vào Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý cũng cho biết, tội phạm ma túy là tội phạm ẩn và được coi là “tội phạm của các loại tội phạm”.  Vì vậy, để làm giảm tội phạm thì một trong những giải pháp quan trọng và căn bản là tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh với tội phạm, tệ nạn ma túy theo mục tiêu giảm cầu, qua đó, sẽ có hiệu quả tích cực là nguồn cung sẽ giảm.

Việc đưa vào Luật hình thức quản lý người sử dụng ma túy ngay từ lần đầu là biện pháp phòng ngừa, không phải xử phạt hành chính, nhằm giúp họ tránh xa ma túy, việc này nhằm giúp các cơ quan chức năng quản lý chặt người sử dụng trái phép chất ma tuý, từ đó làm giảm tỉ lệ người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy", từ đó sẽ có kết quả tích cực giảm nguồn cung ma túy vào Việt Nam - Cục trưởng C04 phân tích.

Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều điểm mới như, quy định việc đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc.

Trung tá Hoàng Văn Hiều - Phó Trưởng phòng 2, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, việc người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được đưa vào Luật đã có sự nghiên cứu rất kỹ và hết sức cân nhắc nhằm đảm bảo quyền trẻ em.

Cụ thể, trong Luật quy định rất rõ, đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này không phải là biện pháp xử lý hành chính nên không ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp. Do đó, sẽ đảm bảo quyền lợi cho các em khi thực hiện biện pháp cai nghiện tại các cơ sở như được vui chơi, học hành…

“Các cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải bố trí chỗ dành riêng cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, đảm bảo cho các em không bị ảnh hưởng, tác động của những người nghiện ma túy trên 18 tuổi” - Trung tá Hoàng Văn Hiều thông tin thêm.

Theo Trung tá Hoàng Văn Hiều, thời gian cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này là từ 6 - 12 tháng. Thẩm quyền do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định. Nếu tái nghiện, thì không đưa đi cai nghiện bắt buộc mà được đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Tin, ảnh: Hải Tường