Tính từ ngày bị bắt giữ (30/3), đến nay 3 cây “khủng” đã nằm lại tại Huế hơn 3 tuần. Trong thời gian này, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác minh nguồn gốc cây, lập biên bản trả lại cây cổ thụ cho chủ cây là ông Kiều Văn Chương ở Thạch Thất (Hà Nội). Tuy nhiên, do kích cỡ quá lớn cũng như tải trọng quá “khủng”, đến nay cơ quan chức năng chưa đồng ý cấp giấy phép vận chuyển cho phương tiện được chủ cây thuê vào để vận chuyển cây “khủng” ra Hà Nội, bắt buộc chủ cây phải mượn đất của dân để trồng lại cây cổ thụ, hòng cứu sống 3 cây “khủng” sau thời gian dài phơi nắng phơi sương.
|
|
3 cây "khủng" đang được chủ cây trồng tạm trên đất vườn của bà Đặng Thị Lan. |
Muốn chở cây, phải có giấy phép vận tải trên 45 tấn.
Đây là thông tin được ông Bùi Huy Dũng - Giám đốc công ty TNHH TM&VT Hùng Dũng (có trụ sở tại Hà Nội) cung cấp cho báo chí. Ông Dũng cho biết, Doanh nghiệp của ông được chủ cây thuê vận chuyển 3 cây “khủng” từ Huế ra Hà Nội. Tuy nhiên, do Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đồng ý cấp giấy phép vận tải 35 tấn cho các xe chở cây nên đơn vị đành “bất lực”, vì muốn vận chuyển các cây “siêu khủng” này, phương tiện phải được cấp phép vận tải trên… 45 tấn.
|
|
Muốn chở cây "khủng" này, phương tiện phải có giấy phép vận chuyển trên 45 tấn. |
Trước đó, khi được chủ cây liên hệ nhờ vận chuyển cây “khủng” ra Hà Nội, ngày 12/4, Doanh nghiệp Hùng Dũng đã điều 3 xe vào để cẩu cây lên xe. Tuy nhiên, mới di chuyển được chừng 5 km thì bị CSGT “ách” lại do không có giấy phép vận tải hàng siêu trường, siêu trọng hợp lệ. Thời điểm đó, nhà xe xuất trình 1 giấy phép lưu hành xe quá khổ, vận chuyển hàng siêu trường trên đường bộ. Tuy nhiên, giấy phép này chỉ cho phép phương tiện vận chuyển… máy công trình. Do sử dụng giấy phép sai mục đích, Doanh nghiệp Hùng Dũng đã bị Tổng cục đường bộ mời lên làm việc và thu hồi giấy phép vận tải đó.
Sau khi bị thu hồi giấy phép, Doanh nghiệp Hùng Dũng liên hệ với Sở GTVT Thừa Thiên – Huế để xin cấp phép vận chuyển các cây “khủng”. Tuy nhiên, Sở GTVT Thừa Thiên – Huế chỉ đồng ý cấp phép vận tải tối đa cho phương tiện là 35 tấn. Trong lúc muốn vận chuyển, phương tiện phải xin được giấy phép vận tải trên 45 tấn.
Ông Dũng phân tích: Phương tiện vận chuyển có trọng lượng 22 tấn, cân nặng mỗi cây khoảng 20 – 22 tấn. Nên muốn chở cây phải xin được giấy phép vận tải 45 tấn trở lên. “Tuy nhiên, khi chúng tôi trình hồ sơ xin cấp phép, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đồng ý cấp phép vận tải tối đa cho các phương tiện chở cây là 35 tấn” , ông Dũng cho biết.
Đích đến của các “khủng” là khu đô thị… “siêu khủng”
Không xin được giấy phép vận chuyển hợp lệ, ngày 22/4, Doanh nghiệp Hùng Dũng đã “bỏ cuộc”, trả các cây “siêu khủng” lại cho ông Kiều Văn Chương. Để cứu vãn cây sống, ông Chương đã phải mượn đất vườn ngay bên đường tránh QL1A của bà Đặng Thị Lan, 60 tuổi, ở phường Thủy Châu (TX Hương Thủy) để trồng lại cây “khủng”.
|
|
3 cây "khủng" được trồng sát bên nhau, cách nhà dân chưa đầy...5m. |
Hiện nay, 3 cây “khủng” được trồng sát bên nhau, cách nhà dân khoảng 5m và cách đường tránh QL1A khoảng 30m. Đây là biện pháp tạm thời của chủ cây, nhằm duy trì cây sống để chờ đến ngày phương tiện đủ điều kiện vận chuyển cây ra Hà Nội.
Nói về đích đến của 3 cây “khủng” khi được chủ cây thuê vận chuyển, ông Bùi Huy Dũng – Giám đốc Doanh nghiệp Hùng Dũng cho biết, đó là khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) và giá trị vận chuyển 3 cây từ Huế ra đến nơi gần… 100 triệu đồng.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Báo cáo phản hồi thông tin báo chí, Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk thừa nhận: Việc những cây quá khổ quá tải được vận chuyển trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ qua địa bàn tỉnh mà không được phát hiện, xử lý là có phần trách nhiệm của Thanh tra Sở. Nguyên nhân do điều kiện làm việc của Thanh tra Sở còn hạn chế về nhân lực và phương tiện nên bố trí lực lượng còn mỏng; việc thanh tra, kiểm tra trên các tuyến đường không được liên tục do đó, không phát hiện được các xe vận chuyển các cây gỗ “khủng”.
Công an tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận việc để “lọt” xe quá khổ, chở quá tải qua địa bàn trên các tuyến đường một phần đến từ các tài xế thường xuyên tìm cách trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng CSGT như: lợi dụng thời điểm bàn giao giữa các tổ tuần tra, đi vào ban đêm, đi vào đường nhánh, qua nhiều địa bàn, nhiều tuyến… Một phần do trang thiết bị, phương tiện của lực lượng CSGT còn thiếu, thường xuyên bị hư hỏng; lực lượng còn mỏng, địa bàn rộng nên chưa thể khép kín được địa bàn.
|
Bùi Văn - Thục Anh