Những dấu hiệu bất thường
Để triển khai dự án, UBND tỉnh Hải Dương đã giao đơn vị lập quy hoạch là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng, đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Chi nhánh Công ty TNHH CPG Việt Nam - Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Glopan.
Ngày 2/6/2017, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định số 1706/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án EcoRivers, TP Hải Dương.
Đến ngày 28/12/2017, UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 4185/QĐ-UBND phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngày 2/2/2018, UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định số 548/QĐ-UBND phê duyệt giá đất cụ thể và phương án thu tiền sử dụng đất (giá khởi điểm) để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo quyết định phê duyệt giá đất cụ thể và phương án thu tiền sử dụng đất (giá khởi điểm) để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của dự án (khu đất đấu giá đã được giải phóng mặt bằng), gồm giá trị quyền sử dụng đất 287.859 m2 đất ở và 50.416 m2 đất thương mại dịch vụ: 799.584.104.000 đồng. Giá trên không bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chi phí xây dựng nhà thô của dự án.
|
|
Quyết định ban hành quy chế đấu giá của dự án |
Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Hải Dương cho biết, ngày 15/3/2018, đến hạn cuối, đã có 3 đơn vị đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá và trả giá là: Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương; Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng 1 Hà Nội, Công ty CP Thương mại LD Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn COTANA, Công ty CP Tư vấn xây dựng Nam Thành Đông, Công ty CP Tư vấn, Đầu tư thương mại Nam Thanh (gọi tắt là Liên danh) và Tổng công ty MBLand.
Theo thông tin phản ánh, cũng trong ngày 15/3/2018, ông Nguyễn Văn Viễn (là người của Tổng Công ty MBLand - PV), đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá, thì bị một người đàn ông tên Khanh túm cổ áo ngay trong phòng của Giám đốc trung tâm đấu giá và trước mặt các thành viên Hội đồng đấu giá một cách thô bạo.
Ngay sau đó, ông Viễn cũng đã có đơn khiếu nại tố cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và Công an tỉnh Hải Dương phản ánh sự việc xảy ra tại phiên đấu giá Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers), TP Hải Dương.
Trong quy chế đấu giá của Hội đồng đấu giá (HĐĐG) tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Anh Cương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký có quy định tại Điều 15 là các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá. Nghiêm cấm đơn vị tham gia đấu giá, đơn vị trúng đấu giá, tổ chức thực hiện các hành vi như: Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, đơn vị tham gia đấu giá khác, tổ chức khác dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, đơn vị tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản...
Vậy người gây rối, gây mất trật tự tại Trung tâm đấu giá ngày 15/3 là của đơn vị nào? Có phải một trong các đơn vị tham gia đấu giá không? Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương làm rõ.
Năng lực của đơn vị trúng thầu như thế nào?
Được biết, dự án EcoRivers có tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Theo quy định, để thực hiện dự án, đơn vị tham gia đấu giá phải có vốn thuộc sở hữu của mình tối thiểu bằng 20% tổng mức đầu tư của dự án, số tiền này phải được chứng minh bằng tài sản, tiền mặt hoặc tương đương; đồng thời có cam kết của tổ chức tín dụng về cho vay vốn để thực hiện dự án (chứng minh bằng văn bản cụ thể).
Trong quy chế đưa ra tiêu chí quá “cụ thể”: “đơn vị tham gia đấu thầu phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá như đã và đang đầu tư ít nhất 01 (một) dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương (trong đó có hạng mục cây xanh trồng trong khu đô thị có đường kính thân D>1m, chiều cao H>10m trên 300 cây”, thì dư luận cho rằng, chỉ có doanh nghiệp được chỉ định từ trước mới đáp ứng được số lượng cây trong tiêu chí chọn lựa nhà thầu?
|
|
Một số nội dung trong quy chế bị cho là "làm khó" chủ đầu tư |
Sau những điểm bất thường, đến ngày 4/4 vừa qua, Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Hải Dương đã công bố kết quả đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương với giá 805 tỷ đồng, chênh lệch 5 tỷ 415 triệu 896 nghìn đồng so với giá khởi điểm. Vì sao một dự án đất vàng, tiềm năng của tỉnh Hải Dương giá trúng thầu chỉ chênh lệch hơn 5 tỷ đồng?
Vậy, hồ sơ năng lực của Công ty cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương như thế nào, có đáp ứng được toàn quy chế mà Hội đồng đấu giá dự án EcoRivers đưa ra?
Theo thông tin từ Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia, Công ty cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương mới chỉ được thành lập hồi tháng 2/2017, do ông Nguyễn Công Hồng làm Tổng giám đốc.
Theo thông tin, công ty này có vốn điều lệ 200 tỷ đồng với 4 cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển DB (chiếm 65% vốn), Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (chiếm 5% vốn), Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Hồng Phong (chiếm 20% vốn) và bà Phạm Thị Hà (chiếm 10% vốn).
Trong các cổ đông đáng chú ý có Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng. Đây chính là đơn vị được UBND tỉnh Hải Dương giao lập quy hoạch dự án EcoRivers. Công ty này có vốn điều lệ 708 tỷ đồng, cổ đông nắm quyền chi phối là Công ty TNHH Duy Nghĩa do ông Lương Xuân Hà làm đại diện.
Ông Lương Xuân Hà cũng là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển DB (Cổ đông lớn của Ecopark Hải Dương), Công ty cổ phần đầu tư Ecopark, Công ty cổ phần đầu tư Ecopark Thăng Long. Còn Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hồng Phong thành lập tháng 4/2016, do ông Nguyễn Công Hồng làm đại diện pháp luật, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Hoàng Hưng