Sáng 8-7, tại trụ sở TAND tỉnh BR-VT, TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án Lê Thị Hường (SN 1975, trú tại ấp Liên Sơn, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) phạm tội giết người. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm Lê Thị Hường đã bị TAND tỉnh BR-VT, tuyên án tử hình về tội giết người nhưng bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.


Theo cáo trạng, Lê Thị Hường có mối quan hệ quen biết với vợ chồng ông Nguyễn Chí Hùng (SN 1961) và bà Phan Ngọc Nga (SN 1960) trú tại thôn Hiệp Cường, xã Cù Bị, huyện Châu Đức. Qua mối quan hệ quen biết, vợ chồng ông Hùng đã cho Hường vay 80 triệu đồng. Ngày 15-1-2013, Hường gọi điện cho bà Nga đang nằm điều trị ngộ độc thực phẩm tại Trung tâm Y tế huyện Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) yêu cầu bà Nga đến nhà mình ở ấp Liên Sơn, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) để tính toán số tiền mà Hường đã vay. Chiều cùng ngày, bà Nga được xuất viện nên ông Hùng chở bà Nga đến thẳng nhà Hường bằng xe máy.

Với chủ đích có sẵn nên khi vợ chồng bà Nga đến nơi, Hường “thể hiện lòng tốt” bảo bà Nga còn yếu nên nằm trong nhà nghỉ ngơi còn ông Hùng ra vườn sau nhà chặt chuối và lấy trứng gà mang về bồi bổ sức khỏe cho vợ. Tưởng thật, ông Hùng theo Hường ra vườn. Trước khi đi, Hường cầm theo con dao rựa dài. Khi ông Hùng đang lúi húi nhặt trứng gà thì Hường vung dao chém tới tấp 17 nhát vào đầu và tay ông Hùng. Nghe chồng kêu cứu, bà Nga chạy ra thì bị Hường lao đến dùng dao chém 2 nhát vào đầu. Sau đó, ông Hùng, bà Nga được người dân gần đó gọi xe ôtô chở đi bệnh viện cấp cứu và điều trị với tỷ lệ thương tật theo giám định của cơ quan công an: ông Hùng 78,88% và bà Nga 26,43%.

Tại phiên tòa phúc thẩm, buổi sáng, trước giờ xét xử, từ xe tù bước xuống, Hường vẫn giữ được vẻ mặt khá điềm tĩnh của một “quan bà” đã từng “hét ra lửa” ở một vùng quê huyện Châu Đức. Với chiếc áo bà ba màu xanh lá và chiếc quần tây đen sẫm, Hường không có vẻ gì tiều tụy so với trước khi bị bắt dù đã trải qua một thời gian khá dài trong phòng tạm giam.

Bắt đầu vào phiên tòa, vị thẩm phán hỏi: “Lý do gì bị cáo chém ông Hùng, bà Nga? Chém bao nhiêu nhát?”. “Bị cáo cũng không biết chém mấy nhát nữa. Bị cáo vay của bà Nga 80 triệu đồng nhưng bà Nga nói 300 triệu đồng” - Hường không những điềm tĩnh trả lời mà còn quanh co cho rằng bà ta xin măng chua của bà Nga nên bà Nga mang đến. Khi vị thẩm phán vặn lại: “Theo kết quả điều tra tại hiện trường vụ án không có dấu vết của măng chua”. “Vì bà Nga đến mà không mang theo măng chua” - Hường đáp lại.

Vị thẩm phán nhận định, hành vi của Hường thể hiện sự vô cảm, tàn bạo, liều lĩnh và đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm không phù hợp với lời khai của bị hại và hiện trường vụ án. Do đó, tòa bác đơn kháng cáo của bị cáo. Đồng thời, giữ nguyên mức hình phạt tử hình đối với bị cáo Lê Thị Hường về tội giết người.

Lời tuyên án dành cho Lê Thị Hường không có gì bất ngờ đối với mọi người dự phiên tòa, bởi sự tàn độc của người đàn bà này đã đủ để mọi người nghĩ đến mức án cao nhất.

 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.