Sau hai ngày xét xử, cuối giờ chiều nay (30/7), HĐXX tuyên y án đối với các bị cáo Vươn, Quý, Báu, Thương nhưng chấp nhận kháng cáo của bị cáo Sịnh, Vệ và giảm nhẹ mức án cho 2 bị cáo này.
 
 
Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm
 
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng. Các luật sư bảo vệ bị cáo đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm về việc cần làm rõ tính công vụ của các bị hại là các cán bộ công an, quân đội trong vụ cưỡng chế, kết quả giám định, súng, đạn chưa được làm rõ cụ thể, chưa làm rõ nguyên nhân, động cơ của vụ án, có việc cố ý, lạm quyền để cưỡng chế ngoài diện tích cần cưỡng chế hay không...
 
Kiểm sát viên Lê Tư Quỳnh, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp từng quan điểm, lí lẽ mà các luật sư đưa ra.
 
Trao đổi, tranh tụng với những ý kiến, quan điểm bào chữa của các luật sư, vị đại diện viện kiểm sát khẳng định các bị cáo trong vụ án đã cố ý, có bàn bạc, tổ chức dùng mìn, dùng súng tước đoạt mạng sống của người khác, những người bị hại đều là cán bộ nhà nước, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, không có mâu thuẫn với các bị cáo.
 
Với âm mưu và hành vi chuyển vụ án hành chính dân sự sang hình sự, các bị cáo đã chuẩn bị mìn, súng để tấn công người thi hành công vụ.
 
Với các phân tích này, vị đại diện viện kiểm sát khẳng định giữ nguyên toàn bộ quan điểm đã đưa ra và đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với các bị cáo.
 
Ông Vươn nói gì?
 
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử tuyên án, bị cáo Đoàn Văn Vươn nói “đề nghị Hội đồng xét xử vì cái phẫn uất trước việc làm tắc trách của chính quyền huyện Tiên Lãng đã dẫn đến buộc bị cáo và người thân bị cáo phải đến bước đường cùng. Làm những việc này, bị cáo ý thức được rằng là hành vi vi phạm pháp luật...”.
 
Bị cáo Đoàn Văn Quý không đề nghị gì. Bị cáo Đoàn Văn Sịnh nói đã nhận thức được hành vi trái pháp luật của bị cáo. Sức khoẻ yếu, việc làm cũng còn nhiều thiếu sót, bị cáo là nông dân nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, đề nghị xin giảm hình phạt để bị cáo sớm về với gia đình.
 
Là người lớn tuổi nhất và cũng là họ hàng với các bị cáo, bị cáo Sịnh xin Hội đồng xét xử xem xét khoan hồng giảm hình phạt cho các người thân trong gia đình trong vụ án này.
 
Bị cáo Đoàn Văn Vệ xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để sớm đoàn tụ gia đình. Bị cáo Nguyễn Thị Thương nói đề nghị Hội đồng xét xử xử đúng người, đúng tội và mong muốn người thân sớm được về với gia đình.
 
Bị cáo Phạm Thị Báu nói đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Hải Phòng. Nếu như đề nghị của bị cáo không được chấp nhận, xin Hội đồng xét xử đưa ra bản án khách quan nhất, công bằng nhất.
 
Sau hai ngày xét xử, cuối giờ chiều nay, thẩm phán Nguyễn Vinh Quang, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm hình sự, Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ tuyên án.
 
Theo đó, Hội đồng Xét xử đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương nhưng chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ và giảm nhẹ mức án cho 2 bị cáo này. Vì vậy, bị cáo Đoàn Văn Vươn (50 tuổi) bị 5 năm tù, Đoàn Văn Quý (47 tuổi, em ông Vươn) bị 5 năm tù, Đoàn Văn Sịnh (56 tuổi, anh ông Vươn) được giảm án từ 3 năm 6 tháng tù xuống 2 năm 9 tháng tù, Đoàn Văn Vệ (39 tuổi, cháu ông Vươn) được giảm án từ 24 tháng tù xuống 19 tháng tù, Nguyễn Thị Thương (43 tuổi, vợ ông Vươn) bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 20 tháng và Phạm Thị Báu (tức Hiền, 31 tuổi, vợ ông Quý) bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng.
 
Theo Lam Khê
Tiền Phong Online