Kiến nghị nâng mức xử phạt hành chính với hành vi làm giả giấy tờ, mạo danh để giao dịch qua công chứng.

 


Theo ông Thái, các tổ chức công chứng gặp nhiều khó khăn trong phát hiện việc giả mạo. Phát hiện đã khó nhưng khi xử lý, cơ quan công chứng cũng lúng túng vì họ không phải là cơ quan có thẩm quyền tạm giữ giấy tờ (trong trường hợp nghi vấn, cần xác minh) hoặc tạm giữ người. Nhiều trường hợp báo công an địa phương nhưng khi công an đến nơi, kẻ giả mạo đã kịp bỏ đi.

Chưa hết, khi phát hiện kẻ lừa đảo sử dụng giấy tờ giả có dấu hiệu hình sự, các cơ quan công chứng chuyển giao hồ sơ cho công an xử lý nhưng công an thường cho rằng vụ việc chưa phát sinh hậu quả, không đủ cơ sở xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính. Giải quyết như vậy là chưa thỏa đáng, chưa giải quyết tận gốc của vấn đề vì những người làm, sử dụng giấy tờ giả đã có đủ dấu hiệu của tội phạm.

Phối hợp chưa tốt

Ông Thái khẳng định việc phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý vi phạm hành vi giả mạo trong công chứng thời gian qua chưa thường xuyên, chưa tốt. Khi công chứng viên phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm báo cho công an thì họ yêu cầu công chứng viên làm tường trình nhiều lần, ảnh hưởng công tác và uy tín của công chứng viên.

“Thanh tra Sở còn nhận thấy sự đùn đẩy trách nhiệm giữa cơ quan công an nơi đặt trụ sở của tổ chức công chứng. Có hiện tượng công an không tiếp nhận giải quyết vụ việc mà hướng dẫn chuyển hồ sơ cho cơ quan khác. Chưa kể là quy trình tiếp nhận hồ sơ, phản hồi thông tin tiếp nhận hồ sơ thường chậm (hơn 30 ngày) nên ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của những người liên quan và thời hiệu xử lý vụ việc. Còn việc phản hồi về kết quả điều tra thì hầu như không có nên khi các bên liên quan khiếu nại, tố cáo, cơ quan công chứng khó trả lời cho người khiếu nại. Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng có dấu hiệu hình sự và cơ chế phối hợp giữa công an với các tổ chức hành nghề công chứng.

Theo công chứng viên Hoàng Mạnh Thắng (TP.HCM), nếu công an xử lý quyết liệt thì kẻ làm, sử dụng giấy tờ giả trong mua bán nhà, đất sẽ ngán ngại, việc lừa đảo trong lĩnh vực này sẽ giảm.

Theo Thẩm phán Huỳnh Ngọc Đức, Phó tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Dương, trong năm 2012, tòa án tỉnh này đã xét xử sáu vụ dùng giấy tờ giả, người giả lừa đảo mua bán nhà, đất diễn ra tại các phòng công chứng. “Những vụ lừa đảo mua bán tài sản, đặc biệt là mua bán nhà, đất có giá trị rất lớn, gây thiệt hại nặng nề cho nạn nhân nên cơ quan chức năng cần phải xử lý quyết liệt” - ông Đức nói.
 

Theo Ái Nhân
Pháp Luật TPHCM