Ngày 8/1, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền như tiếp tục diễn ra với những tình tiết mới. Nhiều nữ đại gia được triệu tập đến tham dự phiên tòa. Trong ngày thứ 3 diễn ra phiên xét xử này, nhiều kẽ hở trong việc quản lý của ngân hàng đã được làm rõ.
 
 
Các cá nhân tại Ngân hàng Công thương gồm Trần Thanh Thanh (Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ), Tống Nguyên Dũng (nhân viên tín dụng), Bùi Ngọc Quyên (Phó Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ),  Hoàng Hương Giang (giao dịch viên), Phạm Thị Tuyết Anh (giao dịch viên), Đoàn Lê Du (Trưởng Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Vũ Nguyễn Xuân Tiên (Phó Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng), Huỳnh Trung Chí (nhân viên tín dụng), Nguyễn Thị Phúc Ngân (giao dịch viên) đã bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay, gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Tại phiên tòa sáng 08/01/2014, các bị cáo này thừa nhận các cá nhân đứng tên trên thẻ tiết kiệm đã không trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục, thậm chí, nhiều hồ sơ khi giải ngân còn chưa có chữ ký của khách hàng. Các bị cáo nêu nguyên nhân là do tin tưởng Huyền Như nên bị Huyền Như lừa, dẫn đến toàn bộ hồ sơ vay là giả, hợp đồng cầm cố là giả.
 
Theo quy định pháp luật, các hợp đồng thế chấp thẻ tiết kiệm trên là vô hiệu, không có giá trị, vì chữ ký của các chủ thẻ tiết kiệm là giả, hồ sơ vay là giả. Như vậy, thực chất các khoản vay này là khoản vay không có tài sản thế chấp.
 
Mặc dù vậy, căn cứ vào hợp đồng thế chấp giả, Ngân hàng Công thương vẫn dùng tiền gửi của khách hàng để thu nợ. Kết quả của việc làm trái pháp luật này là đã đẩy hậu quả nghiêm trọng của việc cho vay trái pháp luật của chính Ngân hàng Công thương cho Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt.
 
Cáo trạng truy tố không xác định Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền vay của Ngân hàng Công thương, tiếp tục xác định Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Á Châu, Ngân hàng Nam Việt. Buộc các đơn vị này chịu hậu quả nghiêm trọng từ việc cho vay trái pháp luật của Ngân hàng Công thương.
 
Điều bất ngờ là trong quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, ngay cả trong hành vi vi phạm quy định cho vay, gây hậu quả nghiêm trọng tại Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Công thương cũng không phải tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn, tức bị thiệt hại.
 
Tại phiên tòa chiều 08/01/2014, đồng loạt những đơn vị được xác định là nguyên đơn dân sự (Công ty chứng khoán Phương Đông, Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên, Công ty chứng khoán SBBS …), bị Huyền Như chiếm đoạt tiền đã yêu cầu Hội đồng xét xử buộc Ngân hàng Công thương phải trả tiền, xác định Ngân hàng Công thương là bị đơn dân sự với những yêu cầu này, là nguyên đơn dân sự với hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như.
 
Kết luận điều tra, Cáo trạng, phần thẩm vấn tại phiên tòa ngày 08/01/2014 cũng chưa làm rõ được cá nhân nào tại Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả để trích thu nợ vay. Đây cũng là hành vi sai phạm cần làm rõ để xử lý.
 
Theo Báo Đất Việt