Trên thực tế, đối chiếu với bản hợp đồng thế chấp thì không có điều khoản nào Công ty Thịnh Hưng đồng ý cho Ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Do đó, Agribank Chi nhánh Hà Nội đã không đáp ứng đủ điều kiện để thu giữ tài sản của Công ty Thịnh Hưng.
Không đủ điều kiện để thu giữ tài sản
Tại bản Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số công chứng 2278.2009/HĐTD giữa Công ty Thịnh Hưng với Agribank Hà Nội ngày 18/9/2009, Agribank Chi nhánh Hà Nội đã bảo lãnh cho cho các khoản vay của Công ty Cổ phần Sản xuất - Xuất khẩu và Hợp tác ASEM (Công ty ASEM), trong đó có khoản vay trực tiếp và bảo lãnh phát sinh
|
|
Lực lượng bảo vệ được Ngân hàng Agribank Hà Nội thuê canh giữ Công ty Thịnh Hưng. |
Theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (có hiệu lực ngày 15/8/2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì điều kiện để thu giữ tài sản phải đủ 05 điều kiện. Trong đó, các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo quy định tại Điều 299 (Bộ luật dân sự 2015); Về Hợp đồng thế chấp phải có điều khoản thoả thuận về bên đảm bảo đồng ý cho thu giữ TSBĐ. Theo đó, quy định: Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật; TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền, không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật; Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.
Đối chiếu với Hợp đồng thế chấp số công chứng 2278.2009/HĐTC (ngày 18/9/2009) giữa Bên A- Công ty Thịnh Hưng (bên nhận hợp đồng thế chấp) với Bên B, bên nhận thế chấp (Ngân hàng Agribank chi nhánh Hà Nội) và Bên C - bên vay (Công ty cổ phần sản xuất- xuất khẩu và hợp tác ASEM) thì không có điều khoản nào thể hiện việc Cty Thịnh Hưng đồng ý cho Ngân hàng Agribank có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 4, Điều 5, Điều 9 của Hợp đồng thế chấp thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên cũng không thể hiện việc thoả thuận giao TSBĐ cho bên Ngân hàng để xử lý. Trong khi đó, Điều 7 của Hợp đồng là thoả thuận của các bên nếu xảy ra trường hợp Bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ, thì Bên B được quyền áp dụng các biện pháp thu hồi nợ như sau: “Bên A đứng ra bán tài sản thế chấp nói trên trong hạn định sau khi được sự chấp thuận của Bên B; Bên A và Bên B cùng phối hợp bán tài sản; Bên A uỷ quyền cho Bên B trực tiếp bán toàn bộ tài sản nói trên cho người mua hoặc uỷ quyền cho bên thứ ba bán đấu giá tài sản; Bên B nhận chính tài sản nói trên để thay thế nghĩa vụ trả nợ”.
Như vậy, sự thống nhất về phương thức xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, bằng cách lựa chọn 1 trong các phương án này (có sự thoả thuận giữa 2 bên: bên thế chấp và bên nhận thế chấp). Tuy nhiên, nội dung điều khoản này không đồng nghĩa với việc Bên A (Công ty Thịnh Hưng) đồng ý để Bên B (ngân hàng Agribank) thu giữ TSBĐ.
Ngoài ra, theo Kết luận điều tra vụ việc số 08/C46-P10 ngày 16/01/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an có nội dung: Trong hồ sơ bảo lãnh cho công ty ASEM vay vốn tại Agribank Chi nhánh Hà Nội, trong Đơn yêu cầu đăng ký, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ngày 18/9/2009 không phải chữ ký của bà Nguyễn Thị Thuỷ (Giám đốc Công ty Thịnh Hưng) - Kết luận giám định số 346/C54 ngày 04/02/2016 của Viện khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an, tại mục số 4, trang số 4 của Kết luận điều tra vụ việc số 08/C46-P10 ngày 16/01/2018.
Như vậy, chữ ký bà Thuỷ tại phần Bên thế chấp của Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp là không phải do bà Thuỷ ký. Trong khi đó, Điều 122 (Bộ luật dân sự 2005), tại Khoản 1 của Điều này về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: “Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”.
Còn tại Khoản 2 của Điều này về: “Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”: Với chữ kí không đúng của chủ thể (bà Thuỷ) đã kí vào Đơn đăng ký, dẫn đến bị vô hiệu. Theo khoản 8, Điều 1, mục I Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT (ngày 16/6/2005) thì: “Hợp đồng thế chấp…bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký”. Do vậy, việc đăng ký thế chấp không đúng quy định, dẫn đến việc đăng ký thế chấp chưa được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo phản ánh của Công ty thì đơn vị này không hề nhận được các giấy tờ liên quan đến việc thông báo thu giữ TSBĐ như nội dung Agribank đăng tải trên trang điện tử. Mặt khác, trên trang điện tử của mình, Ngân hàng đã đăng tải Thông báo thu giữ TSBĐ của Công ty Thịnh Hưng vào hồi 16h 00p ngày 07/12/2017, nhưng thời điểm thu giữ lại là ngày 15/12/2017 là chưa đủ 15 ngày theo quy định.
Cần làm rõ hành vi giam, giữ người trái pháp luật
Như vậy, đối chiếu với 05 điều kiện theo Điều 7 của Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (có hiệu lực ngày 15/8/2017) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì trường hợp Agribank Chi nhánh Hà Nội thu giữ TSBĐ của Công ty Thịnh Hưng mới chỉ đáp ứng 02 điều kiện: Xử lý theo Điều 299 của Bộ luật dân sự (thoả mãn); Hợp đồng thế chấp có thoả thuận về bên đảm bảo đồng ý cho thu giữ TSBĐ (không thoả mãn); giao dịch đảm bảo đã được đăng ký theo quy định pháp luật (không thoả mãn); tài sản không tranh chấp, không kê biên, không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời… (thỏa mãn); Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định (không thoả mãn).
Có thể nói, Agribank Chi nhánh Hà Nội đã thực hiện việc thu giữ TSBĐ và giữ người của Công ty Thịnh Hưng là trái với quy định pháp luật. Tất cả được thể hiện trong Vi bằng của Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đô số 1038/2017/VB - TPLTĐ ngày 15/12/2017.
Theo đó, phía Ngân hàng đã thuê nhóm nhân viên của công ty bảo vệ mặc đồng phục đến Công ty vào hồi 6 giờ sáng (ngày 15/12/2017) đứng trước trụ sở Cty Thịnh Hưng để kiểm soát người ra, vào trụ sở. Mặc dù được phía đại diện Công ty trình bày chưa nhận được thông báo về việc thu giữ tài sản, đồng thời yêu cầu Ngân hàng xuất trình căn cứ cho việc thu giữ và thông báo cho việc thu giữ là hợp pháp, nhưng phía Ngân hàng không xuất trình được văn bản nào. Đến 7giờ 30 phút, có đoàn người đến để phá khóa cửa rồi dùng xích sắt khóa cổng ra vào của Công ty, ngăn cản và nhốt 2 người của Công ty Thịnh Hưng là thư kí của giám đốc Công ty và Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty. Đến thời điểm 19h25 phút cùng ngày, vẫn có 08 người đàn ông mặc trang phục bảo vệ canh giữ. Toàn bộ tài sản của Công ty đã bị tiến hành kiểm đếm và niêm phong.
Như vậy, ngoài thu giữ tài sản trái pháp luật, Ngân hàng còn thực hiện một hành vi nghiêm trọng hơn, đó là giữ người trái quy định pháp luật. Hành vi này có dấu hiệu của “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại Điều 123 - Bộ luật Hình sự 1999.
Thu Hương