Để đảm bảo thông tin đa chiều, khách quan, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh để tìm hiểu rõ hơn sự việc.

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Sau khi nhận được Công văn số 6356, ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39/NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Thông báo số 296, ngày 27/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh, hầu hết các đơn vị cho rằng “được giải quyết theo thẩm quyền”. Vì vậy, đã thực hiện việc tuyển dụng nhiều cán bộ hợp đồng lao động và viên chức vào công chức không qua thi tuyển. Riêng thành phố Thanh Hóa, ngày 10/5/2017 đã ban hành ra Quyết định số 1601 “tuyển dụng một số trường hợp đặc biệt vào công chức không qua thi tuyển”. Đúng ra, trước khi ra quyết định nêu trên, UBND thành phố phải xét viên chức cho cán bộ hợp đồng thành viên chức theo Quyết định số 1942, ngày 7/6/2017 của UBND tỉnh, sau đó báo cáo UBND tỉnh xem có được chấp thuận hay không. Thế nhưng, UBND TP.Thanh Hóa đã bỏ quy trình này cho nên ông Đào Trọng Quy phải kiểm điểm và thừa nhận “có thiếu sót, cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác tuyển dụng cán bộ”. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc của đơn vị và đảm bảo quyền lợi cho cán bộ lâu năm, làm việc hiệu quả, ngày 20/9/2017, UBND thành phố có Công văn số 3658 về việc tuyển dụng công chức không qua thi tuyển gửi Sở Nội vụ. Ngày 29/9/2017,  Sở Nội vụ có Công văn số 1424 về việc tiếp nhận công chức không qua thi tuyển theo đề nghị được áp dụng vào khoản 1, Điều 4 và khoản 1 Điều 21 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Quyết định số 116, ngày 27/6/17, Quyết định số 119 phê duyệt kết quả bầu cử Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội (chuyên trách) đối với ông Bùi Quang Trung và Phó Trưởng ban Pháp chế (chuyên trách) đối với ông Nguyễn Lê Hùng. Còn bà Nguyễn Thị Oanh từ năm 2008 đã là viên chức, bà Lê Thị Thu Hiền được tuyển dụng ngạch viên chức giáo viên trung học theo quyết định của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh vào tháng 10/1999. Hiện chỉ có 5 cán bộ còn lại là hợp đồng dài hạn phải làm lại cho đúng quy trình và chờ Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết. 


Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau khi báo BVPL đưa tin về việc tuyển dụng viên chức, chúng tôi đã lên làm việc tại Phòng GD&ĐT, UBND thành phố đã báo cáo tỉnh với con số cụ thể như sau: Tính đến tháng 8 năm 2017, tổng biên chế và hợp đồng lao động của ba khối học có 3282 người, trong đó: khối Mầm non có 898 người  và 121 người (thực hiện theo Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thành phố đã xét tuyển đang chờ kết quả phê duyệt của Tỉnh) là 1.019 người (trong đó cán bộ quản lý là 115 người). Khối Tiểu học: 1.261 người (trong đó cán bộ quản lý là 112 người). Khối THCS 1.011 người (trong đó cán bộ quản lý là 80 người).

leftcenterrightdel
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ  tịch UBND TP. Thanh Hóa làm việc với phóng viên. 

Về biên chế được UBND tỉnh giao năm 2017 là 3.423 người (Biên chế: 3.222; Hợp đồng theo Quyết định số 60 của Chính phủ: 201), trong đó: Khối Mầm non: 1.111 người (định mức cán bộ quản lý là 112 người). Khối Tiểu học: 1.312 người (định mức cán bộ quản lý là 91 người). Khối THCS: 1000 người (định mức cán bộ quản lý là 77 người). Như vậy, cân đối số lượng thừa, thiếu giữa số hiện có so với tỉnh giao tổng cả 3 bậc học: 3282 người - 3423 người =  - 141 người (thiếu 141 người). Về cán bộ quản lý:  Khối Mầm non: thiếu 7 người. Khối Tiểu học: thừa 21 người. Khối THCS: thừa 3 người. Nguyên nhân thừa cán bộ quản lý khối Tiểu học và Trung học cơ sở vì năm 2012 UBND thành phố tiếp nhận theo 19 xã của 4 huyện (Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn, Thiệu Hóa) đã dôi dư cán bộ quản lý, ước tính vài năm nữa, cán bộ quản lý về hưu và không bổ nhiệm thêm thì con số này sẽ tương ứng theo quy định. Cán bộ quản lý “dư” được giao đứng lớp như giáo viên giảng dạy khác. Mặt khác, giai đoạn 2011 – 2015, hệ thống các trường Tiểu học trên địa bàn chuyển từ học 1 buổi/ngày thành 2 buổi/ngày, nhu cầu bán trú của học sinh tăng cao, vì vậy thành phố Thanh Hóa thống nhất bổ sung thêm 1 cán bộ quản lý phụ trách bán trú nhằm đảm bảo tổ chức tốt việc quản lý và chăm sóc học sinh. Theo quy định phòng GD&ĐT thành phố chỉ có 6 công chức, trong đó 1 Trưởng phòng, 3 Phó phòng, 1 kế toán và 1 chuyên trách là công chức không thể quản lý 138 trường/ 70 nghìn học sinh của với 3 cấp học. Vì vậy, phòng GD&ĐT tuyển chọn hơn chục giáo viên ưu tú về làm công tác tại phòng nhưng ăn lương viên chức theo hệ số lương của giáo viên.

Mặc dù vậy, đến thời điểm này UBND tỉnh Thanh Hóa chưa có văn bản  nào chỉ đạo các Phòng GD& ĐT trong tỉnh đưa giáo viên một số trường về làm việc tại phòng giáo dục. Thế nhưng, do khối lượng công việc của phòng quá lớn, nhiều huyện đã thực hiện chuyển viên chức làm việc cho phòng nhưng hưởng lương giáo viên. Nếu chiếu theo định mức thì công chức các Phòng GD&ĐT trong tỉnh hiện đang thiếu nghiêm trọng, bên cạnh đó nhiều trường cũng thiếu giáo viên. Trước tồn tại nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Trung ương có biện pháp giúp tỉnh Thanh Hóa khắc phục tình trạng thiếu công chức của ngành Giáo dục tỉnh.  

Phạm Ngọc